Thứ trưởng Bộ Y tế phê bình các bệnh viện thờ ơ với vấn đề an ninh, trật tự. |
Tại cuộc họp tăng cường an ninh, trật tự bệnh viện, bảo vệ nhân viên y tế do Bộ Y tế tổ chức sáng 7/4, chỉ lác đác một vài đơn vị y tế có mặt. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến không hài lòng khi cho rằng, an ninh bệnh viện là vấn đề nóng, tuy nhiên cuộc họp này lại thiếu vắng đại diện của rất nhiều bệnh viện. "Khi có vấn đề về an ninh, các bệnh viện cầu cứu hết công an, chính quyền rồi Bộ, tuy nhiên lại vắng mặt trong buổi hội nghị quan trọng này”, ông Tiến nói và yêu cầu Cục Khám chữa bệnh nên kiểm tra xem việc thực hiện an ninh trật tự đã và đang được thực hiện ở các bệnh viện ra sao.
Ông Tiến cũng cho biết, trong thời gian qua, khá nhiều vụ việc mất trật tự an ninh xảy ra tại cơ sở y tế. Nổi bật như vụ việc người nhà bắn chết bác sĩ, đâm chém bác sĩ, bắt cóc trẻ sơ sinh rồi biểu tình trong bệnh viện, ngoài ra, còn xảy ra nhiều vụ mất cắp, móc túi, cò mồi trong bệnh viện… Trong khi đó sự chủ động và phối hợp với các lực lượng chức năng của các bệnh viện còn tồn tại nhiều hạn chế.
Còn theo thống kê của Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, tính từ năm 2010 đến nay, cả nước ghi nhận 20 vụ việc điển hình về mất an ninh, trật tự bệnh viện. Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở các bệnh viện tuyến tỉnh, chiếm 60%, tiếp đến là bệnh viện tuyến Trung ương chiếm 20%. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ 70%, điều dưỡng 15%. Có đến 90% số vụ việc xảy ra trong khuôn viên bệnh viện, trong khi thầy thuốc đang cấp cứu, chăm sóc cho người bệnh chiếm 60% còn lại xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh…
Đại tá Phạm Văn Tám, Phó cục trưởng cục CSHS, Bộ Công an cũng cho rằng hiện tình hình an ninh trật tự bệnh viện “nóng”, khiến dư luận xã hội lo ngại. Cụ thể là, tình trạng trộm cắp, móc túi thường xảy ra ở bệnh viện, trong khi việc giám sát rất khó khăn. Đối tượng thường là trộm cắp chuyên nghiệp, nghiện hút, thậm chí cả người nhà. Tình trạng cò mồi, bảo kê, tranh giành, dịch vụ ăn uống, trông xe, khu tang lễ…. gây tình trạng phức tạp ở bệnh viện. Việc hành hung bác sĩ, nhân viên y tế, do ảnh hưởng tâm lý xã hội cũng như bắt nguồn từ thái độ của y bác sĩ… gây nhiều bức xúc trong xã hội. Nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân kích động, biểu tình tại bệnh viện khi người nhà tử vong trong quá trình điều trị bệnh. Thậm chí, có nhiều đối tượng côn đồ truy sát nhau vào tận bệnh viện. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo, cho vay lãi nặng, cò mồi, gây rối chính trị…. cũng hoành hành tại cổng các bệnh viện.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này cũng đã được chỉ ra, từ cả 2 phía bệnh nhân, người nhà và cơ sở y tế. Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh, cho rằng: “Từ cơ sở y tế, thầy thuốc, nhân viên y tế còn những lúc tinh thần, thái độ còn chưa chuẩn mực, thậm chí gây nên bức xúc cho người bệnh và gia đình dẫn đến vụ việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, gia đình người bệnh chưa thông cảm quy trình khám chữa bệnh của cơ sở y tế, vụ việc cũng thường xảy ra ở khu vực khám cấp cứu… khi tâm lý người bệnh người nhà nóng nảy, sốt ruột, còn cơ sở y tế quá tải. Rất nhiều thách thức trong cơ sở y tế vốn là một xã hội thu nhỏ, phức tạp”.
Để giải quyết vấn đề này theo Đại tá Tám, trước hết cần khẳng định công tác đảm bảo an ninh phải thuộc trách nhiệm ban giám đốc bệnh viện, sau đó mới đến lực lượng công an và chính quyền cơ sở. Do vậy, cần hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo an ninh bệnh viện, như lắp đặt camera an ninh tại nhều điểm tại viện từ khoa phòng, đường đi lối lại… giúp xử lý nhanh các hành vi gây rối, mất an ninh, trật tự; công khai quy trình khám chữa bệnh điều trị, dán thông tin cảnh báo cho bệnh nhân, người nhà, dán ảnh cò mồi tại các cổng bệnh viện. Lựa chọn đội ngũ bảo vệ có tính chuyên nghiệp, cần tập huấn việc xử lý các tình huống, bởi đây là lực lượng xử trí đầu tiên trước khi có sự góp mặt của lực lượng công an, 113; lực lượng công an cơ sở cập nhật thông tin an ninh, đối tượng cò mồi, thủ đoạn phạm tội cho bệnh viện…
Về phía ngành Y tế, ông Khuê cũng cho rằng, các bệnh viện tiếp tục phối hợp với liên ngành, bổ sung thêm trách nhiệm người bệnh người nhà trong các quy định
Phải nâng cao chế tài xử phạt những hành vi xâm hại thầy thuốc. Bộ sẽ tiếp tục thực hiện giám sát, tăng cường kiểm tra, phối hợp cơ quan bảo vệ pháp luật. Bên cạnh đó, cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời tiếp tục nâng cao các hoạt động bảo đảm an ninh trong bệnh viện….
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận