Ngày 9/10, lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội cho biết, sau hơn một tuần thực hiện Thông tư số 16/2021 của Bộ GTVT, rất nhiều trường hợp người làm thủ tục đăng kiểm cho ô tô thế chấp ngân hàng xuất trình không đúng loại giấy tờ theo quy định mới.
“Từ tháng 10/2021, xe đang thế chấp ngân hàng khi làm thủ tục đăng kiểm chỉ cần xuất trình giấy biên nhận giữ bản chính của phương tiện đang thế chấp tại ngân hàng, tổ chức tín dụng là được tiếp nhận kiểm định.
Tuy vậy, sau gần chục ngày thực hiện, nhiều khách hàng chưa biết, vẫn xuất trình cả bản sao đăng ký phương tiện, bảo hiểm xe hoặc giấy biên nhận không có đủ các nội dung thông tin cần thiết", lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm tại quận Hà Đông, Hà Nội thông tin.
Theo quy định, xe ô tô thế chấp tại các tổ chức tín dụng chỉ cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp còn hiệu lực là được tiếp nhận kiểm định - Ảnh minh họa
Theo Phòng kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN, để đơn giản hóa thủ tục đăng kiểm, thông tư mới không yêu cầu xuất trình bản phô tô đối với xe ô tô đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng (ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ tín dụng ngân dân…) như trước, cũng như không yêu cầu xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe.
Thay vào đó, người làm thủ tục chỉ cần xuất trình giấy biên nhận của tổ chức tín dụng về việc giữ bản chính giấy đăng ký xe còn hiệu lực và có đầy đủ nội dung theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước là được tiếp nhận kiểm định phương tiện.
Tuy nhiên, giấy biên nhận thế chấp phải còn hiệu lực và đầy đủ nội dung theo hướng dẫn tại Văn bản số 7000 ngày 31/8/2017 của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, có các nội dung: Tên gọi (giấy biên nhận thế chấp), số giấy biên nhận; Tên, địa chỉ của tổ chức tín dụng thế chấp
Cùng đó là tên của bên thế chấp, số chứng minh thư nhân dân (hoặc căn cước) của bên thế chấp là cá nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư, số quyết định thành lập (đối với pháp nhân), số giấy chứng nhận đăng ký xe, loại xe, số khung, số máy, biển kiểm soát xe. Thời hạn hiệu lực của giấy biên nhận thế chấp; Lần, số cấp lại giấy biên nhận thế chấp (nếu cấp lại).
Giấy biên nhận thế chấp phải có đủ chữ ký, ghi rõ họ tên của cán bộ có thẩm quyền và đóng dấu của tổ chức tín dụng nhận thế chấp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận