Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý như vậy tại buổi làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với Ngân hàng Chính sách Xã hội - ngân hàng có sứ mệnh phục vụ người nghèo, đối tượng chính sách.
Theo đánh giá của người đứng đầu Chính phủ, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng chính sách Xã hội đã giúp từng đồng vốn đến tận tay người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Mô hình hoạt động của Ngân hành chính sách Xã hội đã được thực tế chứng minh là phù hợp với điều kiện, cấu trúc hệ thống chính trị của nước ta, không những về hiệu quả kinh tế, khả năng tiếp cận tín dụng, sử dụng vốn mà còn có ý nghĩa chính trị xã hội rất lớn.
“Chúng ta theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Chúng ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt chủ trương giảm nghèo bền vững và đặc biệt là đẩy lùi tín dụng đen”, Thủ tướng nói. Với nhiệm vụ quan trọng này, ông nhấn mạnh trách nhiệm của Ngân hàng chính sách Xã hội ngày càng lớn, cần tiếp tục củng cố, phát triển mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng chính sách Xã hội cần tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời, bảo đảm cho vay thuận lợi cho người dân, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai, minh bạch.
Cùng với đó, thủ tục phải ngày càng đơn giản, thuận lợi, và cần chống thất thoát.
Thủ tướng cho rằng, các ngân hàng thương mại đang cải cách, đổi mới thì Ngân hàng chính sách Xã hội cũng phải cải cách, đổi mới, để đồng vốn tới tay người dân thuận lợi hơn. Nêu ra hiện tượng tín dụng đen rất lớn ở một số nơi, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng chính sách Xã hội cần tham gia, góp phần giải quyết vấn đề này.
Đồng thời, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao năng suất, giảm chi phí. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho người vay vốn để nâng cao khả năng bảo toàn vốn. “Họ đã nghèo đeo lấy khổ rồi, không biết kinh doanh gì thì chúng ta vừa làm tín dụng, vừa hướng dẫn sản xuất nữa, chứ không để tình trạng tiền vay về cất vào ống nứa, bỏ trên gác bếp rồi sau quay lại, trả cho ngân hàng" - Thủ tướng lưu ý.
Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách Xã hội, với mạng lưới hoạt động trải rộng toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 điểm giao dịch xã, ngân hàng đã huy động được trên 194.000 tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến hết năm 2018 đạt trên 187.000 tỷ đồng. Gần 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ.
Sau 16 năm hoạt động, Ngân hàng đã cho vay trên 34,1 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi, góp phần giúp trên 5,1 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động. Hơn 3,6 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Trên 118.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận