Tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố; 705 quận, huyện, thị xã; hơn 10.400 xã, phường, thị trấn trên cả nước sáng 25/9, Thủ tướng giao Bộ GTVT kiểm tra việc quản lý, kiểm soát hoạt động vận tải, lưu thông hàng hóa; các địa phương phải hết sức linh hoạt, không ban hành “giấy phép con” cản trở lưu thông hàng hóa.
“Không phải cứ lập rào cản là chống được dịch. Lập rào cản mà người dân không có ý thức thì các đồng chí có thể gác 24/24 giờ không, có thể làm được cả tuần, cả tháng, cả năm không? Thế nên phải tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, để “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm”, để người dân hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm, diễn biến nhanh nhưng phòng dịch hơn chống dịch, phòng dịch tốt thì tránh được lây nhiễm, nếu thực hiện các biện pháp y tế tốt, bảo đảm y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở thì vẫn tránh được, giảm được tử vong”, Thủ tướng chia sẻ.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sẽ có hướng dẫn chi tiết về "sống chung với dịch Covid-19"
Phân cấp thành bốn mức độ nguy cơ dịch
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trình bày Hướng dẫn tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" dự kiến sắp được ban hành.
Đây sẽ là cơ sở để các tỉnh, thành phố xây dựng hướng dẫn và phổ biến đến quận/huyện, xã/phường về đánh giá cấp độ dịch và các biện pháp áp dụng thay thế cho các biện pháp áp dụng tại Chỉ thị số 15, Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 19.
Theo đó, hướng dẫn tạm thời sẽ phân cấp thành bốn mức độ nguy cơ dịch: cấp độ 4 là nguy cơ rất cao (màu đỏ), cấp độ 3 là nguy cơ cao (màu cam), cấp độ 2 là nguy cơ trung bình (màu vàng) và cấp độ 1 là nguy cơ thấp - trạng thái bình thường mới (màu xanh).
Phạm vi đánh giá cấp độ dịch và áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn được thu hẹp tới cấp xã và có thể ở quy mô nhỏ hơn (tổ/đội, khu dân cư, khóm/ấp, thôn/xóm…).
Có 5 chỉ số để đánh giá mức độ thích ứng an toàn, Kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng ở các tỉnh, thành phố; Ít nhất 95% người trên 50 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19; Tỷ lệ các trạm y tế xã có oxy y tế và các xã có kế hoạch thiết lập trạm y tế lưu động.
Hai tiêu chí còn lại là: số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 dân/tuần và tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19.
Địa phương nào có tỷ lệ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người trên 50 tuổi dưới 95% thì phải nâng cấp độ dịch lên một mức cao hơn. Việc tăng giảm các cấp độ dịch không được đột ngột, thực hiện trong thời gian 72 giờ.
Thủ tướng chỉ đạo, Hà Nam kịp thời điều chỉnh việc giãn cách
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy khẳng định tầm quan trọng của việc xét nghiệm tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao, nhờ đó vừa qua Hà Nam đã phát hiện 99 ca mắc. Khi có dịch thì xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch là yếu tố quyết định.
"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, sau vài tiếng, các tỉnh, thành phố xung quanh và Bộ Quốc phòng đã cử lực lượng hỗ trợ Hà Nam. Tổng lực lượng huy động khoảng 10 nghìn người, tỉnh đã xét nghiệm 407 nghìn mẫu", ông Huy cho biết.
Một điểm được Thủ tướng lưu ý nhắc nhở: Ca bệnh đầu tiên phát hiện ở Hà Nam những ngày qua là người đã cách ly 14 ngày. Lý do là biến chủng Delta có đặc điểm sinh học rất khác biệt so với các biến chủng trước đó, lây nhanh, kéo dài (18 ngày thay vì 13 ngày như chủng trước), nồng độ virus đậm đặc, tải lượng virus cao hơn 1.000 lần so với chủng cũ, người mắc bệnh ít có triệu chứng nhưng chuyển bệnh nhanh. Do đó, với chủng cũ, chúng ta áp dụng cách ly 14 ngày, nhưng với chủng mới, phải cách ly ít nhất 19 ngày.
Đặc biệt, ông Huy nhấn mạnh kinh nghiệm về khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm thần tốc diện rộng, phát hiện, phân loại F0 để chăm sóc, điều trị phù hợp, kịp thời. Ban đầu, tỉnh dự kiến giãn cách xã hội toàn bộ TP Phủ Lý theo Chỉ thị 16 với khoảng 180.000 dân, nhưng khi báo cáo, thì Thủ tướng yêu cầu xem lại. Bởi việc cách ly diện rộng như vậy, tỉnh sẽ gặp rất nhiều khó khăn về lưu thông hàng hóa, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, ảnh hưởng tới kinh tế xã hội.
Sau đó, lãnh đạo tỉnh đã họp khẩn ngay trong đêm và cuối cùng đưa ra quyết định chỉ giãn cách một số điểm. Ví dụ, có phường 12 nghìn dân nhưng chỉ phong tỏa 1 ngõ có 36 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu. Việc này giúp tỉnh không mất quá nhiều nguồn lực cho việc cung cấp nhu yếu phẩm để tập trung nguồn lực cho các việc khác như xét nghiệm.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thủ tướng ghi nhận Hà Nam đã thực hiện theo tinh thần của Ban Chỉ đạo Quốc gia. “Chỉ còn 1 tiếng nữa là tỉnh thực hiện giãn cách xã hội tại Phủ Lý, 11 giờ đêm, tôi gọi điện cho lãnh đạo tỉnh. Phủ Lý có gần 200 nghìn dân, cùng với hơn 250 nghìn công nhân, tỉnh có đủ nguồn lực để giãn cách kéo dài, bảo đảm an sinh xã hội cho gần 500 nghìn người trong 2 tuần không? Tỉnh đã điều chỉnh rất kịp thời và hai ngày qua êm ả. Thay vì phải giãn cách 500 nghìn người thì chỉ giãn cách vài trăm người”, Thủ tướng phân tích.
Ông đề nghị các địa phương trước khi thực hiện các biện pháp mạnh thì phải nghiên cứu kỹ các hướng dẫn của Trung ương, tính toán, suy nghĩ rất kỹ và báo cáo cấp trên trực tiếp.
Tương tự, Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang phải xét nghiệm tầm soát tại Phú Quốc vì đây là địa bàn nguy cơ cao. Khi phát hiện ca bệnh, Thủ tướng yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình phải ra chỉ đạo ngay, khoanh vùng hẹp nhất có thể, xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, cả TP Phú Quốc vẫn hoạt động bình thường.
Rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nêu rõ sự thống nhất quan điểm chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 để thực hiện vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trên phạm vi cả nước, tình hình dịch bệnh đang tiếp tục được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là những địa bàn thực hiện tăng cường giãn cách. Các số liệu về ca mắc mới, số ca điều trị khỏi khẳng định kết quả phòng chống dịch; số tử vong đang từng bước được kiểm soát, nhất là tại những điểm nóng đang có chiều hướng giảm dần từng ngày, từng tuần.
Vừa qua có xuất hiện một số ổ dịch mới, nhưng do đã có kinh nghiệm và với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, tổ chức thực hiện tốt nên chúng ta kiểm soát được ngay.
Thủ tướng đúc rút một số bài học kinh nghiệm được các đại biểu nhấn mạnh tại cuộc họp. Thứ nhất, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi chưa có dịch hoặc khi mới kiểm soát được tình hình. Đồng thời, hết sức tránh khuynh hướng khi có dịch lại hoảng hốt, mất bình tĩnh, mất bản lĩnh, thực hiện các biện pháp cực đoan.
Thứ hai, lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất; các nguyên tắc cơ bản, các biện pháp chống dịch đã được đúc rút, thực hiện có hiệu quả thì phải kiên trì thực hiện nhất quán. Đồng thời, tổ chức thực hiện linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, từng cấp, từng đối tượng, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, giữa tổng thể và cụ thể, giữa bao quát và đặc thù.
Thứ ba, phải xét nghiệm tầm soát tại các địa bàn có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tinh thần là phòng dịch tốt thì không phải chống dịch, một đồng phòng dịch hiệu quả thì không mất hàng triệu đồng chống dịch và nhiều mất mát khác, nhất là về tinh thần, sức khỏe, tính mạng người dân.
Thứ tư, việc phân cấp tổ chức thực hiện xuống tận cơ sở, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, ý thức của người dân là hết sức quan trọng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của người dân, tích cực tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống dịch vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân.
Tất cả các địa phương phải thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất
Thủ tướng giao Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến, nhanh chóng ban hành hướng dẫn tạm thời về sống chung với Covid-19. Căn cứ hướng dẫn tạm thời của Bộ Y tế, khoảng ngày 30/9, các địa phương tùy tình hình cụ thể để quyết định địa bàn nào được nới lỏng giãn cách và tiếp tục kiểm soát dịch có hiệu quả.
Những nơi nào an toàn, đã kiểm soát được dịch bệnh thì phải vừa tiếp tục kiểm soát an toàn, vừa khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng lưu ý, các quy định, hướng dẫn, tiêu chí của Trung ương không thể phủ kín được thực tiễn, do đó, các địa phương phải đánh giá tình hình thực tế trên cơ sở các nguyên lý chung, phát huy tính năng động, sáng tạo và dựa vào kinh nghiệm có được trong thời gian qua.
Tất cả các địa phương thành lập Tổ công tác phục hồi sản xuất do Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách. Các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh có kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Bộ Y tế, Tiểu ban Y tế ban hành hướng dẫn về tự xét nghiệm và về huy động y tế tư nhân trong công tác phòng chống dịch, trên tinh thần tăng tính tự chủ, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.
Về xuất nhập cảnh, Tiểu ban An ninh - Trật tự phối hợp với các cơ quan sớm ban hành quy định mới; nghiên cứu công nhận “hộ chiếu vaccine” có tính chất đối đẳng.
Hôm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Đối tượng áp dụng là người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30/9/2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên).
Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 - 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng.
Mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động, cụ thể như sau: Dưới 12 tháng hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng: 2,1 triệu đồng/người; 60 - 84 tháng: 2,4 triệu đồng/người; từ đủ 84 - 108 tháng: 2,65 triệu đồng/người; từ đủ 108 - 132 tháng: 2,9 triệu đồng/người; 132 tháng trở lên: hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.
Nguồn kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020. Thời gian thực hiện việc hỗ trợ người lao động từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021.
Nghị quyết cũng quy định giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, thời gian giảm là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 - 30/9/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận