Kinh tế rời rạc như "thoát vị đĩa đệm"
Sáng nay (20/8), chủ trì Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung tổ chức tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kinh tế vùng có bước phát triển nhưng còn nhiều tồn tại. Đáng kể, vai trò của công nghiệp miền Trung còn yếu, thiếu bền vững. Nhiều địa phương, cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm. Chưa rõ được hướng ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành. Ở nhiều địa phương, các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng lao động giản đơn, công nghệ chưa cao, liên kết nguồn lực yếu.
Theo Thủ tướng, nhiều tiềm năng "rừng vàng, biển bạc" vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Các thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung nói riêng cũng như cho sự phát triển toàn Vùng nói chung đang dần được hình thành nhưng còn nhiều thiếu vắng và chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp quản lý kinh tế, thể chế liên kết Vùng.
"Mặc dù mỗi địa phương như một "đốt xương sống" về kinh tế nhưng lại rời rạc, lỏng lẻo tựa như bị "thoát vị đĩa đệm". Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thường đi sau nhu cầu của thị trường", Thủ tướng đánh giá.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đầu tầu dẫn dắt kinh tế Vùng. Đây chưa phải là nguồn đóng góp lớn cho đất nước mặc dù quy mô diện tích, dân số, vị thế rất lớn. Một số tỉnh có nguồn thu rất lớn nhưng thiếu bền vững. Chất lượng cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu.
Nếu giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không được mở rộng hơn, hệ thống giao thông kết nối với Tây Nguyên được thể hiện rõ nét hơn thì chắc chắn miền Trung sẽ có điều kiện phát triển.
Ngoài ra, theo Thủ tướng, chất lượng môi trường kinh doanh khu vực này chưa cao. Năng lực quản trị nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu đã làm giảm tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo của nền kinh tế.
Tập trung 5 trụ cột kinh tế
Lắng nghe ý kiến, kiến nghị các địa phương, doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị các địa phương miền Trung cần thể hiện khát vọng, vươn lên mạnh mẽ.
“Miền Trung có đủ điều kiện phát triển nhanh, tốc độ cao và bền vững hơn. Phải vận dụng chiến lược kinh tế biển vào miền Trung, tập trung vào 5 trụ cột kinh tế", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cụ thể, ngư nghiệp, phải tập trung nuôi trồng và đánh bắt và chế biến thủy hải sản, một thế mạnh không phải nơi nào cũng có. Thứ hai là du lịch, đặc biệt là du lịch biển, đảo và khai thác thế mạnh của du lịch vùng Tây của các tỉnh miền Trung. Thứ ba là cảng biển và các dịch vụ logistics. Thứ tư là phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Không có công nghiệp thì khó có thể phát triển bền vững. Thứ năm là năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và nghiên cứu các dạng năng lượng khác.
Để làm được điều này, Thủ tướng cho rằng vấn đề quy hoạch chiến lược phát triển miền Trung cần rõ hơn, sớm có thể chế thuận lợi cho phát triển khu vực. Xây dựng môi trường kinh doanh có tính cạnh tranh hơn, miền Trung phải thực sự là "đất lành, chim đậu".
Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng đảm bảo chất lượng theo hướng tích hợp các quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch.
Bộ Tài chính nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tài chính, thuế, phí để phân cấp quản lý cho các tỉnh, thành trong vùng phù hợp với trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế và cơ sở thuế của từng địa phương. Bộ GTVT cần lập kế hoạch phát triển sân bay lớn trên tinh thần “cái gì Nhà nước phải đầu tư dứt điểm, cái gì thì tư nhân đầu tư” để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Đối với Bộ Công thương, ưu tiên phát triển mạng lưới trung tâm logistics của vùng là nơi có lợi thế về vị trí địa lý, gần nguồn cung cấp hàng hóa như khu công nghiệp, hệ thống cảng, gần khách hàng tiêu thụ.
Bộ KH&CN nghiên cứu hỗ trợ xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong trường đại học, doanh nghiệp, khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố trong vùng, để từ đó là hạt nhân của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong vùng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực biển chất lượng cao.
Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố của vùng phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra năm 2019. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục khơi dậy khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn vùng và từng địa phương, doanh nghiệp, người dân.
“Miền Trung phải bàn tiến chứ không bàn lui, kể cả việc liên kết lẫn nhau và liên kết với các tỉnh Tây Nguyên”, Thủ tướng nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận