Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tái cơ cấu nếu làm theo cách cũ thì sẽ không thành công |
Sáng 22/10, các ĐBQH thảo luận tại tổ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
Thủ tướng nhấn mạnh cần phải có quyết tâm chính trị rất cao mới có thể tái cơ cấu thành công bởi nếu vẫn làm theo cách làm cũ thì sẽ không hiệu quả.
"Ở đây phải có bộ máy, cán bộ làm tái cơ cấu. Nhiều ý kiến cho rằng, người đứng đầu phải đứng ra chỉ đạo tái cơ cấu hay là có đội đặc nhiệm tái cơ cấu, dám cắt bỏ đi những cái kém hiệu quả" - Thủ tướng nói.
Theo dự kiến của Chỉnh phủ, nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 10.567 nghìn tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD). Trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước của các bộ, ngành và địa phương dự kiến khoảng 3.570 nghìn tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD).
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để tái cơ cấu kinh tế phải có nguồn lực. "Nợ xấu hiện nay rất lớn, muốn giải quyết, phải bỏ tiền bạc. Vì vậy Nhà nước phải dành ra một nguồn lực cần thiết. Nếu không dùng đến kinh phí tiền bạc thì không thể tái cơ cấu” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá quá trình tái cơ cấu 5 năm qua, ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) cho rằng cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước hết sức chậm. "Trong khi từ nhiệm kỳ trước đã có chỉ đạo là nếu ai chậm trễ thì người đứng đầu bộ, ngành đơn vị đó phải chịu trách nhiệm, sẽ bị mất chức nhưng hết khoá rồi cũng chả thấy ai mất chức" - ông Tiến băn khoăn.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nhấn mạnh, con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến việc làm, như nhiều ý kiến đã đánh giá "quả là dài quá, đi mãi không đến nơi". Ông Hùng cho biết trước kỳ họp này đã có ký văn bản gửi Vụ thông tin của Quốc hội để xin số liệu về tái cơ cấu, nhất là tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước nhưng số liệu trả lời thì cụ thể là không có.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh tình trạng các ngân hàng hoạt động yếu kém, theo Phó Thủ tướng, tới đây nhà điều hành sẽ dùng nguồn lực Nhà nước mạnh hơn để xử lý ngân hàng yếu kém, nhất là mạnh dạn thí điểm cho phép phá sản ngân hàng yếu. Việc này được thực hiện dựa trên cơ sở bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, không để xảy ra hiệu ứng “domino” an toàn hệ thống.
"Nhà nước không thể cứu mãi các ngân hàng làm ăn yếu kém. Nếu cứ làm ăn yếu kém rồi lại để Nhà nước lo bằng cách mua lại 0 đồng mãi là không thể được" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận