Xã hội

Thủ tướng: Cả nước có thêm 659km đường bộ cao tốc

Thủ tướng báo cáo Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, các công trình giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, đã đưa vào sử dụng 659km cao tốc, nâng tổng chiều dài cao tốc của cả nước lên 1.822km...

Đến cuối năm 2023, phấn đấu hoàn thành thêm 78km đường cao tốc

Sáng nay (23/10), trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024.

Thủ tướng: Thêm 659 km đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng  - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Thủ tướng đã nêu bối cảnh thực hiện kế hoạch phát  triển KTXH năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2024. Theo đó, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất.

Tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, cạnh tranh, xung đột ngày càng gay gắt hơn; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại; lạm phát vẫn ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt; tiêu dùng, thương mại, đầu tư suy yếu.

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nước ta đã giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước, tuy chưa đạt được mục tiêu nhưng vẫn thuộc nhóm cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.

Tăng trưởng GDP quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Xuất nhập khẩu tăng dần qua các tháng, 9 tháng xuất siêu gần 22 tỷ USD.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật được chú trọng, dành nhiều thời gian, đổi mới cách chỉ đạo, cách làm. Đầu tư công và các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm, có kết quả và sản phẩm cụ thể; nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ trong khó khăn.

Các lĩnh vực về văn hóa, xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng. Độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.

Công tác đối ngoại là điểm sáng nổi bật của năm 2023, đạt nhiều thành tựu quan trọng, có tính lịch sử, tạo thuận lợi mới, cơ hội mới, thời cơ mới để phát triển KTXH và tiếp tục củng cố, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Công tác kiểm tra, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm và sản phẩm cụ thể; đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 659 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đưa vào khai thác là 1.822 km; phấn đấu đến hết năm 2023 hoàn thành thêm 78km.

Thủ tướng: Thêm 659 km đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng  - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.

Lấy con người là động lực và mục tiêu của sự phát triển

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đã nêu rõ những hạn chế bất cập nguyên nhân tồn tại, hạn chế và bài bài học kinh nghiệm, đó là cần quán triệt, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, quyết tâm cao, đổi mới sáng tạo; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài.

Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; chỉ đạo điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách, xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm.

Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển văn hóa, xã hội; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Trong đó, kinh nghiệm quan trọng là phải đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Nắm chắc tình hình trong và ngoài nước, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả về những vấn đề mới, khó, phức tạp, nhạy cảm.

Thủ tướng: Thêm 659 km đường bộ cao tốc đưa vào sử dụng  - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 6-6,5%

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu).

Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5-4%.

Năm 2024, Chính phủ đặt 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực KTXH, môi trường. Trong đó, tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730 USD; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8-5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28-28,5%.

Về kế hoạch KTXH năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển KTXH, ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng… Hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng; đồng thời thúc đẩy các dự án đường bộ cao tốc để bảo đảm hoàn thành mục tiêu có trên 3.000 km vào năm 2025.

Nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia; phấn đấu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong năm 2024.

3 liên tiếp tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định, mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là thách thức lớn, không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Ông Thanh cũng nhìn nhận, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát và tăng trưởng trong nước tăng cao những tháng cuối năm.

Trong 5 chỉ tiêu phát triển KTXH không đạt, có chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng, như tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP.

"Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu (năm 2021-2022 chỉ tiêu này thấp hơn mục tiêu 0,09-0,4%)", ông Thanh phản ánh.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra, "sức khỏe" doanh nghiệp còn khó khăn khi số giải thể, phá sản tăng cao. Tính chung 9 tháng là 135.100 đơn vị, bình quân khoảng 15.000 doanh nghiệp rời thị trường mỗi tháng, trong khi số thành lập mới giảm về vốn đăng ký, lao động.

"Doanh nghiệp đối mặt khó khăn thị trường, thiếu đơn hàng, người lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp và chi phí sản xuất, logistics tăng cao", Ủy ban Kinh tế lưu ý.

Những tháng còn lại năm nay, Ủy ban Kinh tế cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục khơi thông các điểm nghẽn của nền kinh tế, rà soát, hoàn thiện các cơ chế để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế. Cần đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng có chính sách hỗ trợ kịp thời người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng, bảo đảm an sinh xã hội.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.