Sáng 12/11, tại Phnom Penh, Campuchia, tiếp tục chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác đã tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và các Hội nghị Cấp cao ASEAN với Ấn Độ và với Australia. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị. Ảnh - VGP |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 25, các Lãnh đạo đánh giá cao tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3 nhân kỷ niệm 25 năm thành lập trong năm 2022, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Đông Á. Hoan nghênh kết quả triển khai đáng khích lệ của Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022, với gần 600 dự án trên tất cả các lĩnh vực, các Lãnh đạo ASEAN+3 nhấn mạnh cần phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch giai đoạn mới 2023-2027. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa ASEAN với 3 Đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đạt 1.098 tỷ USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các Đối tác +3 đạt 32,65 tỷ USD, chiếm 25,4% lượng FDI vào ASEAN. Nhấn mạnh tiếp tục phối hợp kiểm soát hiệu quả đại dịch, ASEAN cùng các Đối tác +3 nhất trí thời gian tới cần tập trung thúc đẩy mở cửa thị trường, sớm nối lại hoàn toàn giao thương, thúc đẩy tự do hoá thương mại, tạo thuận lợi cho hợp tác kinh tế-thương mại tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Ảnh - VGP |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định kể từ năm 1997, ASEAN+3 từng bước trở thành một động lực trong hợp tác của ASEAN với các Đối tác, hướng tới một Đông Á hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng. Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN+3 cần đi đầu, kiên định với chủ nghĩa đa phương, tự do hoá thương mại, mở cửa cho tất cả mọi cơ hội, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng về mọi lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác chống dịch hiệu quả của ASEAN+3 trong hơn 2 năm qua, nhất là sự hỗ trợ vaccine và các trang thiết bị y tế của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với các nước ASEAN. Định hướng hợp tác ASEAN+3 thời gian tới, Thủ tướng đồng ý khởi động kế hoạch công tác 2023-2027 theo 3 trụ cột một cách thiết thực, hiệu quả; nhấn mạnh nối lại giao thương an toàn, mở lại nền kinh tế phải là ưu tiên hàng đầu. Hợp tác ASEAN+3 cần thúc đẩy nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, thông qua tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp chính sách, đặc biệt là trong chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh; theo đó nhất trí thành lập cơ chế hợp tác tăng trưởng xanh giữa ASEAN+3. Ảnh - VGP |
Nhấn mạnh xây dựng và thực hiện Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã mang lại hiệu quả thiết thực cho ASEAN+3, Thủ tướng khẳng định, cần làm sâu sắc hiệu quả hơn Hiệp định này và nhất trí thành lập Ban Thư ký RCEP, đồng thời đề nghị thúc đẩy hợp tác phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân và hợp tác lao động. Thủ tướng hoan nghênh và ủng hộ những sáng kiến có định hướng đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, thịnh vượng ở khu vực; đề nghị các nước ASEAN+3 hỗ trợ tích cực và hiệu quả hơn nữa để ASEAN phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Về phía Việt Nam, Thủ tướng cam kết làm hết sức mình để các nước ASEAN+3 được ổn định hòa bình và thịnh vượng, nhân dân các nước trong khu vực ASEAN+3 sống ấm no hạnh phúc, không bỏ ai ở lại phía sau. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị các nước ASEAN+3 cần tiếp tục phát huy tinh thần đối thoại thẳng thắn, hợp tác chân thành, láng giềng hữu nghị, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, góp phần tạo dựng cạnh tranh lành mạnh, dựa trên luật lệ, giảm thiểu mâu thuẫn, ngăn ngừa xung đột. Trong ảnh, các lãnh đạo của ASEAN cùng đối tác Nhật - Hàn - Trung chụp ảnh kỷ niệm. Ảnh - VGP |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 19 nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ hai bên (1992-2022), các Lãnh đạo nhấn mạnh mối liên kết truyền thống hàng thế kỷ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, tạo nền tảng cho quan hệ ASEAN-Ấn Độ đạt nhiều tiến triển qua 3 thập kỷ. Nhân dịp này, các Lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ chính thức thông qua Tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, tạo động lực quan trọng cho hợp tác hai bên ngày càng mở rộng và phát triển năng động. Phó Tổng thống Ấn Độ Jagdeep Dhankhar nhấn mạnh, ASEAN là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông và là trọng tâm Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ. Ấn Độ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực và coi trọng mối quan hệ láng giềng gần gũi với ASEAN. Ảnh - VGP |
Để phát huy tiềm năng quan hệ đối tác thương mại-kinh tế, hai bên nhất trí đảm bảo tính liên tục của dòng chảy thương mại và đầu tư, củng cố kết nối và tự cường chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi thương mại và hàng hóa, thực hiện hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA). Hướng tới tương lai, ASEAN và Ấn Độ nhất trí tập trung ưu tiên thúc đẩy phục hồi, hỗ trợ nhau nâng cao năng lực y tế, đẩy mạnh tăng cường hợp tác biển bền vững, trong đó tận dụng hiệu quả khoản tín dụng 1 tỷ USD mà Chính phủ Ấn Độ cam kết dành cho hợp tác biển với ASEAN, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia; thúc đẩy kết nối, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững. Ảnh - VGP |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ASEAN và Ấn Độ cần tận dụng hiệu quả vị trí địa chiến lược quan trọng nằm bên bờ Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, dành ưu tiên cao cho hợp tác biển bền vững; phối hợp khai thác dư địa hợp tác thương mại, đầu tư, kết nối còn rộng mở, đa dạng hoá chuỗi cung ứng và sản xuất, trong đó đề nghị Ấn Độ tiếp tục mở cửa hơn nữa thị trường cho hàng nông sản của Việt Nam và các nước ASEAN; mở rộng hợp tác ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường hợp tác phát triển tiểu vùng Mekong, trong đó có thông qua khuôn khổ hợp tác Mekong-Sông Hằng; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau nâng cao năng lực tự cường về y tế, phát triển ngành công nghiệp dược, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân. Ảnh - VGP |
Cùng chiều, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia lần thứ 2, Lãnh đạo các nước ASEAN và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đề cao tầm quan trọng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai bên vừa thiết lập cuối năm 2021 và nhất trí đánh giá cao những tiến triển tích cực thời gian qua. Về định hướng phát triển quan hệ hai bên thời gian tới, các Lãnh đạo ASEAN và Australia nhất trí cần tập trung ưu tiên các nỗ lực phục hồi toàn diện, phát triển xanh và bền vững, đồng thời tiếp tục phối hợp ứng phó hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh. Theo đó, tiếp tục thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, hỗ trợ tiếp cận thị trường, đóng góp đẩy mạnh liên kết kinh tế, tự do hoá thương mại khu vực, trong đó thông qua triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP); tăng cường hợp tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chuyển đổi số, quản lý thiên tai, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh - VGP |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh ủng hộ đề xuất của Australia tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN- Australia năm 2024 tại Australia và tin tưởng rằng đây là dịp tốt để hai bên cùng nhìn lại những tiến triển trong quan hệ đối thoại và hợp tác qua 5 thập kỷ và định ra các bước đi phát triển tiếp theo. Để quan hệ ASEAN- Australia phát triển tương xứng tầm mức Đối tác chiến lược toàn diện, Thủ tướng nhấn mạnh thời gian tới, hai bên cần phối hợp chặt chẽ, sớm khôi phục hoàn toàn và đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, trong đó cần thúc đẩy nhanh hơn nữa nâng cấp Hiệp định AANZFTA, và đề nghị Australia hỗ trợ kỹ thuật và mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản của ASEAN và đẩy nhanh các hoạt động kiểm dịch, thông qua tại cửa khẩu. Ảnh - VGP |
Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực tự cường y tế, trong đó đề nghị Australia tiếp tục hỗ trợ Trung tâm ASEAN ứng phó tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED); hỗ trợ phát triển hạ tầng chiến lược, giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giao lưu nhân dân, văn hoá, du lịch, tích cực triển khai khuôn khổ Đối tác Mekong- Australia, hỗ trợ các nỗ lực phát triển tiểu vùng Mekong, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và phát triển đồng đều, bền vững trong khu vực ASEAN. Đồng thời, Thủ tướng đề nghị ASEAN và Australia mở rộng hợp tác ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh... Theo đó, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Australia về tổ chức Diễn đàn đối thoại cấp cao ASEAN- Australia về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng, sẵn sàng phối hợp cùng Lào và Australia tổ chức hoạt động này tại Việt Nam trong năm 2023. Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Australia đã thông qua Tuyên bố Hợp tác trên cơ sở Tài liệu Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP). Ảnh - VGP |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận