Sáng nay (25/6), hai dự án giao thông quan trọng gồm Vành đai 4 Vùng Thủ đô và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 chính thức khởi công.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 58,2km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80km/h với bề rộng 17m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85,8 nghìn tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu có chiều dài gần 27,5km. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác 80km/h.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là gần 5.900 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2027.
Báo Giao thông tường thuật trực tiếp sự kiện quan trọng này.
Nhà thầu vận hành máy móc, trang thiết bị thi công ngay sau khi các đại biểu bấm nút khởi công dự án
Ngay sau khi các lãnh đạo TP, địa phương ở điểm cầu Thanh Oai (Hà Nội) bấm nút khởi công xây dựng đường Vành đai 4, các đơn vị nhà thầu cũng lập tức vận hành máy móc, trang thiết bị.
Anh Phạm Bá Đông, kỹ sư Tổng công ty 319 Bộ Quốc Phòng chia sẻ: "Là nhà thầu của dự án xây dựng đường Vành đai 4, ngay sau lễ khởi công, chúng tôi bắt tay vào thi công. Để đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án, đơn vị xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, hiệu quả nhất".
Kỹ sư Phạm Bá Đông
Thủ tướng Phạm Minh Chính bấm nút khởi công Dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô và cao tốc Cao Lãnh - An Hữu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công 2 dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Sau lễ khởi công, tại các địa phương 2 dự án đi qua, sẽ triển khai ngay công tác thi công xây dựng trên toàn dự án theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại biểu các Bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công dự án
Tại đầu cầu Thanh Oai, lãnh đạo TP Hà Nội, địa phương cũng cùng bấm nút khởi công xây dựng dự án Vành đai 4.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đại biểu các Bộ, ngành, địa phương bấm nút khởi công tại điểm cầu Đồng Tháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khởi công hôm nay mới là thắng lợi bước đầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công
Vành đai 4 giúp tạo không gian phát triển mới cho cả Vùng Thủ đô
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển hạ tầng nói chung, trong đó có hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội, đang được tích cực triển khai trên toàn quốc.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo ra không gian phát triển mới cho cả Vùng Thủ đô, đặc biệt có ý nghĩa với TP Hà Nội, các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Ninh, nơi tuyến đường đi qua.
“Tôi rất ấn tượng với Hà Nội đã dám phân cấp, giao nhiệm vụ GPMB cho các quận, huyện, đem lại kết quả rất thành công. Đặc biệt việc di dời mộ chí là vô cùng khó khăn nhưng Hà Nội đã tổ chức rất bài bản, làm rất tốt, quyết liệt, quyết tâm", Thủ tướng nói và đánh giá cáo sự kiểm tra, giám sát của lãnh đạo các địa phương, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Tỉnh uỷ các tỉnh khác trong công tác triển khai dự án cũng như GPMB.
Thủ tướng cho biết, kết quả khởi công hôm nay là thắng lợi bước đầu, công việc tiếp theo còn rất lớn.
"Các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan có liên quan, nhân dân tiếp tục bám sát tiến độ, sự phân cấp, phân quyền, rà soát lại các công việc để bố trí thời gian, nguồn lực, sự chỉ đạo, lãnh đạo để chúng ta tiếp tục đẩy nhanh tiến độ theo đúng yêu cầu, mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra”, Thủ tướng nói.
Cùng đó, cần tiếp tục hoàn thiện GPMB, tái định cư cho người dân, làm sao tái định cư của người dân đến nơi ở mới ít nhất bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ.
Phối cảnh đưởng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
“Ít nhất hoặc bằng cao hơn như thế nào thì các cấp ủy, chính quyền cùng với người dân, chúng ta thực hiện theo nguyên tắc chung của đảng, đồng thời thực hiện theo quy định của pháp luật”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề vật liệt xây dựng, bãi thải, Thủ tướng nhấn mạnh "cũng là việc lớn".
“Vừa qua tôi đi chỉ đạo thì thấy đây cũng là việc ách tắc, vì vậy đề nghị các đồng chí Chủ tịch chú ý vấn đề này. Tránh tham nhũng, tiêu cực trong khai thác vật liệu”, Thủ tướng nói.
“Làm hết việc chứ không làm hết giờ”
Thủ tướng khẳng định 5 năm vừa qua số km cao tốc làm chưa được nhiều nhưng đó là những kết quả đáng trân trọng. Chúng ta đã rút ra được những bài học quý báu trong phân cấp, phân quyền, cách huy động nguồn lực, cách tổ chức triển khai, để từ đó có kinh nghiệm đạt bằng được mục tiêu kế hoạch của năm 2025, 2030.
Trong quá trình tổ chức thi công còn nhiều việc, phải đồng lòng quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm có trọng tâm trọng điểm.
Chia sẻ thêm về 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia khởi công hôm nay, Thủ tướng cho biết, 2 dự án có khối lượng thi công rất lớn, trong khi khoảng thời gian thực hiện không dài, lại phải chịu tác động của khí hậu, thời tiết và những khó khăn khác.
“Kinh nghiệm ở các dự án đạt tiến độ hoặc vượt tiến độ là phải “vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch, làm hết việc chứ không phải làm hết giờ”, Thủ tướng cho hay.
Nhấn mạnh việc lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức thực hiện là hết sức quan trọng để bảo đảm tiến độ 2 dự án, Người đứng đầu Chính phủ đề nghị, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố tập trung quyết liệt, thành lập các Ban quản lý dự án, lãnh đạo chỉ đạo, kiểm tra thường xuyên để tháo gỡ khó khăn.
“Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì phải báo cáo. Nếu không bám sát thì sẽ không biết được khó khăn ở đâu để xử lý các công việc phát sinh, đảm bảo chất lượng và tiến độ”, Thủ tướng nói.
Trước sự chứng kiến của đông đảo đại biểu, người dân tham gia tại các điểm cầu, Thủ tướng chỉ đạo dứt khoát: "Nói để làm, cam kết với dân để thực hiện chứ không phải ngồi hội nghị, hội trường, nói cho xong".
Nhà thầu cam kết thi công dự án đúng tiến độ
Ông Đào Ngọc Thanh
Đại diện các nhà thầu thi công phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch HĐQT Vinaconex Đào Ngọc Thanh nói: Vinaconex cam kết sẽ huy động tối đa các nguồn lực về nhân sự, tài chính, trang thiết bị máy móc, áp dụng các biện pháp thi công hiện đại nhất để hoàn thành phần việc được giao.
"Với vinh dự và trách nhiệm, Tổng công ty Vinaconex cam kết sẽ triển khai dự án đảm bảo chất lượng, mỹ quan, an toàn và vượt tiến độ hợp đồng, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 để đưa vào khai thác sử dụng kịp thời nhằm góp phần phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô Hà Nội - Vùng Thủ đô Hà Nội", ông Thanh nhấn mạnh.
Hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Phát biểu tại Lễ khởi công, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thuộc tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh là tuyến cao tốc trục ngang có điểm đầu tại cửa khẩu Dinh Bà, điểm cuối tại Trà Vinh, với tổng chiều dài tuyến 188 km, quy mô xây dựng 4 làn xe.
Đây là tuyến đường quan trọng trong mạng lưới giao thông của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, là tuyến hành lang vận tải quan trọng từ khu kinh tế cửa khẩu Dinh Bà (tỉnh Đồng Tháp) về khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh) qua các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long và Trà Vinh, hình thành kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược liên vùng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của cả khu vực.
Dự án thành phần 1 có 533 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích đất thu hồi trên 101 ha. Có 100% hộ dân trong vùng dự án đã đồng thuận cao với chủ trương xây dựng đường cao tốc đi qua địa bàn tỉnh.
Đến nay, về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đã chi trả tiền cho 511/533 hộ dân, đạt tỷ lệ 95,9%; giá trị chi trả 478,3 tỷ đồng trên tổng số 512,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93,3%.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh: GPMB là khâu "trọng điểm của trọng điểm"
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội bao gồm 7 dự án thành phần do thành phố Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chủ quản. Trong đó, 3 dự án giải phóng mặt bằng và 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành được thực hiện theo hình thức đầu tư công. Riêng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, ngay sau khi Dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, TP Hà Nội cùng các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh đã tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương.
TP Hà Nội đã chủ động báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chủ trì làm việc với các địa phương để thành lập ngay Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.
“Với quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị các cấp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân các địa phương, đến nay, sau 1 năm 9 ngày, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đảm bảo toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra (trước ngày 30/6/2023).
Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến đã hoàn thành trên 80%, trong đó thành phố Hà Nội đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%)”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.
Cũng theo ông Thanh, từ kinh nghiệm thực tế triển khai các dự án trên địa bàn, TP Hà Nội xác định công tác giải phóng mặt bằng là khâu “trọng điểm của trọng điểm”.
“Ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ xây dựng Dự án, Thành phố đã đề xuất thực hiện tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; từ đó công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không còn phụ thuộc vào các yếu tố kỹ thuật chuyên ngành của công trình, đồng thời thực hiện giải phóng mặt bằng ngay sau khi chỉ giới đường đỏ được phê duyệt”, ông Thanh nhấn mạnh.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng không quên ghi nhận và chân thành cảm ơn sự đồng lòng, ủng hộ và sẻ chia của những hộ dân đã bàn giao đất để phục vụ xây dựng Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Lễ khởi công chính thức bắt đầu
Đúng 8h sáng, Lễ khởi công Dự án Đường vành đai 4 - Vùng thủ đô và Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1 (tỉnh Đồng Tháp) chính thức bắt đầu.
Chương trình được thực hiện theo hình thức trực tuyến tại 7 điểm cầu. Trong đó, có 4 điểm cầu ở Hà Nội, 1 điểm cầu ở Hưng Yên, 1 điểm cầu ở Bắc Ninh và 1 điểm cầu ở Đồng Tháp.
Tại điểm cầu chính xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, dự Lễ khởi công có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Thượng tướng Vũ Hải Sản - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự Lễ khởi công tại điểm cầu Hoài Đức
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành trung ương và địa phương dự sự kiện
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng (bên trái), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên (bên phải) dự Lễ khởi công tại điểm cầu Hoài Đức
Người dân Thanh Oai đồng thuận, GPMB suôn sẻ
Ông Bùi Văn Sáng
Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, chính quyền và người dân huyện Thanh Oai rất háo hức, mong chờ sự kiện khởi công đường Vành đai 4.
Dự án không chỉ giúp giao thông thuận tiện mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.
Theo ông Sáng, ngay từ khi có chủ trương triển khai dự án đường Vành đai 4, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã rất ủng hộ và đồng thuận nên công tác GPMB không gặp khó khăn nhiều. Bên cạnh đó, dự án được thành phố quan tâm nên công tác chuẩn bị khởi công dự án rất thuận lợi.
“Hiện nay, công tác GPMB dự án Vành đai 4 trên địa bàn đã đạt được khoảng 80% với sự đồng thuận và ủng hộ của người dân”, ông Sáng cho hay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự Lễ khởi công tại điểm cầu Đồng Tháp
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang
Phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm tham dự sự kiện
Hà Nội: Lễ khởi công đã sẵn sàng, trời mưa nặng hạt
Tại điểm cầu Thanh Oai (Hà Nội), theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, từ sáng sớm, công tác chuẩn bị của lễ khởi công đã sẵn sàng. Tuy nhiên, do thời tiết mưa nặng hạt nên lượng người tham gia Lễ khởi công hạn chế.
An ninh trật tự tại điểm cầu Thanh Oai được đảm bảo, các lực lượng chức năng được huy động để túc trực tại khu vực tổ chức sự kiện. Dọc đường dẫn vào khu vực này, lực lượng CSGT đã chốt trực để tổ chức phân luồng từ xa cho các phương tiện giao thông đi lại được thuận tiện.
Tại điểm cầu Hoài Đức (Hà Nội), từ sáng sớm, chính quyền, người dân địa phương có mặt tại khu vực tổ chức Lễ khởi công để đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và lãnh đạo TP Hà Nội.
An ninh được thắt chặt từ đường gom Đại lộ Thăng Long vào điểm cầu chính của Lễ khởi công tại xã Song Phương, huyện Hoài Đức.
Người dân đến chứng kiến Lễ khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu từ sáng sớm
Tại Đồng Tháp, sáng nay (25/6), thời tiết mát mẻ. Từ sáng sớm đã có hàng trăm người dân tỉnh Đồng Tháp đến chứng kiến Lễ khởi công tại khu vực diễn ra sự kiện (xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh).
Các lực lượng chức năng địa phương đã túc trực từ sáng sớm để đảm bảo công tác an ninh trật tự dọc tuyến đường và khu vực tổ chức Lễ khởi công ở điểm cầu Đồng Tháp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận