Hạ tầng

Thủ tướng cam kết hơn 2 tỷ USD đầu tư cho đồng bằng sông Cửu Long

18/06/2019, 23:12

Chính phủ cam kết nguồn vốn 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư vào các dự án tại ĐBSCL.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Chiều 18/6 tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

Sau khi nghe các Bộ, ngành, các nhà khoa học báo cáo về những kết quả và các giải pháp sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những kết quả bước đầu đã đi vào cuộc sống, góp phần cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên những bất cập tồn tại vẫn trong việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP vẫn còn là rào cản.

Thủ tướng cho rằng, Nghị quyết 120 đặt chủ trương thúc đẩy sự phát triển thuận thiên, không tác động thô bạo vào tự nhiên, nhưng không phải cam chịu sự tác động của tự nhiên và phải có cách khắc phục, chế ngự.

Những biến đổi khí hậu đưa đến thời tiết khắc nghiệt, tác động tiêu cực đến đời sống, nhưng cũng là điều kiện để con người ứng dụng các thành tựu khoa học 4.0 vào việc khắc chế tự nhiên. Nhắc lại câu nói của người xưa: “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, Thủ tướng cho rằng việc tái cơ cấu sản xuất tại vùng ĐBSCL phải xuất phát từ người dân, từ các ấp, xã, huyện đến các địa phương.

Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo Bộ ngành, các địa phương trong việc đề xuất những giải pháp đề phát triển vùng ĐBSCL bền vững.

Tuy nhiên, trong các báo cáo chưa nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong sự thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những mô hình hay của các doanh nghiệp trong việc xây dựng các mô hình thích ứng với biến đổi khi hậu cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc, nhân rộng.

img
Các chuyên gia cho rằng cần phát hiện giao thông thủy để tận dụng lợi thế của vùng ĐBSCL

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để có nguồn vốn đầu tư cho vùng ĐBSCL, cần xúc tiến các quỹ đầu tư. Thủ tướng giao Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế thu hút vốn để thúc đẩy sự phát triển thị trường tài chính thúc đẩy đầu tư các dự án vùng ĐBSCL.

Cần xây dựng một cơ chế nguồn vốn riêng cho vùng ĐBSCL thông qua huy động nguồn vốn ngân sách, ODA, và các thể chế trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân.

“Quyết tâm xây dựng một chương trình phát triển quốc gia vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới, theo hướng nghiên cứu xây dựng cơ chế ưu tiên phân bố nguồn vốn từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025 cho vùng ĐBSCL.

Nghiên cứu đa dạng hóa nguồn lực Trung ương, địa phương, ODA, FDI… với cam kết nguồn vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư vào các dự án ở vùng ĐBSCL mang tính liên vùng trong các lĩnh vực giao thông vận tải, biến đổi khí hậu, thực hiện theo quy hoạch vùng đã phê duyệt, kèm theo các giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn” Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Dẫn câu nói “Phi lộ phi phú”, Thủ tướng cho biết trong năm nay sẽ dồn sức để làm dứt điểm, quyết tâm đến 2020 thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Mỹ Thuận và tiếp sau đó là đến Cần Thơ, Cà Mau.

Trong phát triển liên kết vùng, Thủ tướng đồng ý giao TP.HCM là nhạc trưởng để điều phối phát triển liên kết vùng, xây dựng cơ chế liên kết, trình Chính phủ xem xét.

img
Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: VGP

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.