Những thời khắc cam go
Sáng 29/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương.
Hội nghị được tổ chức để nhìn lại chặng đường hơn 3 năm nỗ lực chống Covid-19, đại dịch ghi nhận ca bệnh đầu tiên vào cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc.
Chia sẻ tại hội nghị, Thủ tướng xúc động nhắc lại những thời khắc cam go, vất vả trong phòng, chống dịch.
Theo Thủ tướng, chúng ta đã trải qua những thời gian khó khăn nhất với nhiều lo lắng, trăn trở trong tình huống dịch bệnh chưa có tiền lệ, không dự báo được tình hình, khả năng lây lan và độc lực của virus, cũng như hậu quả của việc nhiễm bệnh.
Việc phòng chống dịch ở thời điểm đó là vô cùng khó khăn, khó khăn tứ bề khi trong tay không có gì khác, không có vaccine, không có test kit… ngoài hệ thống y tế được thiết lập trong điều kiện bình thường.
Hệ thống này có thể đáp ứng được yêu cầu trong điều kiện bình thường nhưng không thể đáp ứng trong điều kiện bất thường, khẩn cấp về y tế.
Trước những thách thức đó, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, công tác phòng, chống dịch đã được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, đồng bộ của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ đó, huy động sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, sự hợp tác, hỗ trợ kịp thời, hiệu quả của bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hai lần ra Lời kêu gọi, hiệu triệu sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp để cả đất nước chung sức, đồng lòng phòng, chống dịch Covid-19.
Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư ban hành nhiều kết luận, thông báo, điện, công điện...
Chính phủ đề ra và triển khai chiến lược vaccine với 3 thành tố quan trọng: Lập Quỹ Vaccine để huy động nguồn lực tài chính; Tiến hành ngoại giao vaccine để tiếp cận vaccine trong bối cảnh có tiền cũng không mua được do tiếp cận vaccine không bình đẳng; Triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay miễn phí cho toàn dân.
Cùng với đó, xác định 3 trụ cột chống dịch gồm cách ly, xét nghiệm và điều trị.
Theo Thủ tướng, trong thực tế chỉ đạo, điều hành đặc biệt nhấn mạnh hai yếu tố rất quan trọng là vaccine và ý thức của người dân.
Một yếu tố quan trọng khác là chuyển trạng thái phù hợp từ "Zero Covid" sang "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" khi đã bao phủ vaccine và có nhiều kinh nghiệm hơn.
Trong bối cảnh khó khăn, đã huy động đội ngũ nhân viên y tế, cán bộ, các chiến sĩ công an, bộ đội tham gia tuyến đầu chống dịch.
Thủ tướng đánh giá trong phòng chống dịch, chúng ta đã phát huy rất tốt mối quan hệ "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".
Đi sau về trước
Kết quả là chúng ta đã đi sau về trước trong phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh, trở thành một trong những nước mở cửa sớm các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước từ 11/10/2021 và mở cửa với quốc tế từ 15/3/2022.
Đặc biệt, từ một nước tiếp cận sau về vaccine, có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, Việt Nam trở thành một trong 5 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất và là quốc gia duy nhất trong nhóm này có dân số đông khoảng 100 triệu người.
Cùng với đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng được thúc đẩy. An sinh xã hội được bảo đảm; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện.
Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng và Ban Chỉ đạo Quốc gia một lần nữa cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến đấu cam go với dịch bệnh.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch còn lúng túng, bị động lúc ban đầu; Các quy định của pháp luật không bao quát được hết các tình huống dịch bệnh; Hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng không đáp ứng được những tình huống bất thường, khẩn cấp; Quản lý hành chính còn những bất cập, một số nơi chưa thực hiện đúng quy định, hướng dẫn…
Nhất trí cao với các bài học kinh nghiệm mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh việc phải chuẩn bị năng lực của y tế dự phòng, y tế cơ sở ở mức cao hơn bình thường; Nhanh chóng khắc phục hậu quả mà đại dịch gây ra; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh…
Trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là phải cảnh giác, phòng ngừa từ sớm, từ xa với các loại dịch bệnh có thể xảy ra và cũng chưa thể hoàn toàn yên tâm với đại dịch Covid-19, hậu quả đại dịch Covid-19 còn tiếp tục kéo dài.
Cùng với đó, tập trung khắc phục các bất cập, vướng mắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh (nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế...) trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp.
Tiếp tục hoàn thành xử lý các vấn đề tồn đọng liên quan công tác phòng, chống dịch thời gian qua và xử lý các chính sách theo thẩm quyền khi chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; Đẩy mạnh tổ chức thực hiện và sớm hoàn thành việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covd-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận