Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 5 năm qua, ngành GTVT đã huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) nhiều nhất từ trước đến nay để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. |
Kỷ lục huy động nguồn lực ngoài ngân sách
Phát biểu tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ khẳng định: 5 năm qua, ngành GTVT đã huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) nhiều nhất từ trước đến nay để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
“Đây chính là điểm nổi bật nhất của nhiệm kỳ 2011 – 2015. Nhờ đây, chúng ta có được nhiều công trình hạ tầng giao thông nhất, trong đó có những công trình rất hiện đại” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cái nhất thứ hai của Bộ GTVT được Thủ tướng đặc biệt biểu dương là việc thực hiện tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu vận tải và nổi bật là tái cơ cấu DNNN. “5 năm qua, cả nước đã CPH được 514 DN. Trong đó, riêng GTVT đã CPH được 137, tương đương gần 30%. Cổ phần hóa đã đem lại sức vóc mới, năng lực mới cho các doanh nghiệp ngành giao thông”, Thủ tướng đánh giá.
Cùng với việc biểu dương ngành GTVT đã nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tốt nhất, Thủ tướng cũng nhắc đến thành tích nổi bật thứ tư của ngành GTVT: Giảm được tai nạn giao thông nhiều nhất.
“So với 5 năm trước, số người chết vì TNGT đã giảm tới 12.000 người. Đây là một con số rất lớn, rất đáng ghi nhận, là nỗ lực lớn của ngành GTVT” – Thủ tướng nói.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và mong muốn ngành GTVT không chủ quan, không thoả mãn với những gì đạt được, phải đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, phát huy những kết quả làm được, khắc phục những tồn tại, yếu kém.
"Không thể kêu gọi đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, bằng hứa suông"
Đồng ý với phương hướng, nhiệm vụ chung Bộ GTVT đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo Bộ GTVT tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả QLNN, trong đó, trước hết là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động GTVT gần với thị trường hơn, hội nhập tốt hơn, huy động nguồn lực nhiều hơn cho đầu tư phát triển, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
“Tôi muốn nhấn mạnh rằng ngân sách chỉ chừng mực thế thôi. Vốn trái phiếu chính phủ cũng thế. Muốn xây dựng đồng bộ KCHT thì không cách nào khác phải huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Mà như vậy thì cơ chế chính sách phải tốt. Chúng ta không thể kêu gọi đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, cũng không thể bằng hứa suông, bằng quyết tâm, nghị quyết được” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát cập nhập hoàn thiện chiến lược, quy hoạch trên mọi lĩnh vực, theo hướng chiến lược đi liền với cơ chế chính sách, thu hút đầu tư xã hội.
Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực xã hội đồng thời với việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước để đầu tư.
“Ngành GTVT đã làm được rất nhiều việc, nhưng cần phải cố gắng hơn nữa”,Thủ tướng dẫn chứng: Đường hàng không, ta đã sánh vai được với bạn bè quốc tế. Đường biển, chúng ta đã đầu tư và sắp hoàn thành các cảng biển quan trọng. Đường thuỷ, đã nâng cấp ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, trong lĩnh vực đường bộ, chúng ta đã tiến một bước dài. Ngành GTVT cần tiếp tục rà soát các quốc lộ, ngoài QL1, đường HCM, đường ven biển, đường biên giới… để đầu tư nâng cấp.
5 năm vừa qua, chúng ta đã làm hơn 600km đường cao tốc. 5 năm tới, chúng ta phải tiếp tục làm từ 2.000 km đến 2.500 km nữa để cơ bản nối thông cao tốc Bắc – Nam. Nếu như cứ chỉ chờ ngân sách thì sẽ chẳng có cây số đường cao tốc nào, Thủ tướng nói.
Về đường sắt, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ, mạnh dạn cổ phần hoá, huy động nguồn lực xã hội để phát triển. “Chính phủ đã tính tới làm đường sắt tốc độ cao khổ 1435, đoạn nào hiệu quả thì phải tính toán để làm”, Thủ tướng nói.
Vấn đề thứ ba được Thủ tướng nhấn mạnh là Bộ GTVT phải nâng cao hiệu quả vận tải, trong đó đặc biệt là vận tải đa phương thức. Phải làm sao để nâng cao năng suất, hiệu quả, hạ giá thành, hạ chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, Thủ tướng yêu cầu tập trung tiếp tục chỉ đạo đảm bảo an toàn giao thông, lưu ý phải đặt ra chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể để giảm TNGT.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo ngành GTVT tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ. Tái cơ cấu DNNN, đơn vị sự nghiệp, tái cơ cấu vận tải... chúng ta đã làm tốt. Tái cơ cấu để hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn. “Bộ GTVT còn 30 DN, trong đó “nặng” nhất là Vinashin, Vinalines. Phải cố gắng làm, để nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN” – Thủ tướng lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận