Theo đánh giá, tình hình an ninh, trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có nhiều diễn biến phức tạp |
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Theo đánh giá, tình hình an ninh, trật tự trong lĩnh vực vận tải hành khách trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có nhiều diễn biến phức tạp; hiện tượng các lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến và tạo dư luận xấu trong xã hội.
Xử lý nghiêm nạn bảo kê, tranh giành khách
Để tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông và ổn định hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, tạo sự yên tâm, an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Hà Hội và Hải Phòng; trong đó, xác định rõ lộ trình giữa bến đầu và bến cuối; xác định rõ các điểm đón - trả khách dọc trên tuyến; tổng số chuyến xe trong ngày và tần suất tối đa trong mỗi giờ cao điểm; xây dựng lịch trình khai thác cụ thể cho từng chuyến xe trên tuyến, thống nhất với Sở GTVT địa phương, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong thời gian chưa công bố phương án điều chỉnh quy hoạch, Bộ chỉ đạo tạm dừng cấp phép khai thác tuyến Hà Nội - Hải Phòng đối với phương tiện đăng ký mới hoặc bổ sung giữa tất cả các bến xe trên địa bàn TP Hà Nội và TP Hải Phòng.
Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai đồng bộ các lĩnh vực công tác nghiệp vụ; chủ động phòng ngừa, rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự hoạt động trên tuyến; kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu "bảo kê", những đối tượng có hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích cho các lái xe và phụ xe, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với lái xe, chủ xe của các nhà xe đe dọa, sử dụng vũ lực để tranh giành khách, vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách và các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, vi phạm tốc độ, dừng, đỗ không đúng nơi quy định, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, không nhường đường cho xe ưu tiên…; mở đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm tại các bến xe và dọc tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Nghiên cứu lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe
Thủ tướng giao các địa phương phối hợp lắp camera giám sát tại các bến xe để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm |
Bộ công an cũng được giao chỉ đạo Công an địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trách nhiệm quản lý của cá nhân, đơn vị chức năng được giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại các bến xe và trên tuyến còn để xảy ra vi phạm và mất trật tự trên địa bàn hoặc lĩnh vực được phân công quản lý; Chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi ném đá vào các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; chỉ đạo Công an địa phương phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông vận tải tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các phương tiện lưu thông vào các tuyến đường dân sinh, đường địa phương trái quy định, nhằm tránh các trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn.
Người đứng đầu Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương phối hợp với Bộ GTVT tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; chỉ đạo Sở GTVT tăng cường công tác quản lý đối với các bến xe, quy hoạch mạng lưới tuyến, tổ chức quản lý các điểm đón, trả khách dành cho xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định; phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các đơn vị kinh doanh vận tải; nghiên cứu, lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe và một số điểm trọng yếu trên tuyến để phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm, nhất là "xe dù", xe chạy vượt tuyến, xe chạy sai hành trình, đón, trả khách sai quy định và các hành vi vi phạm khác.
Đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự thì thực hiện các hình thức xử lý như: Đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi biển hiệu, phù hiệu hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải; đồng thời, thông báo cụ thể danh sách xe, lịch trình, tuyến đường hoạt động cho lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận