Chiều 18/7, ngay sau khi chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát thực địa, tìm hiểu tiềm năng, thế mạnh của huyện Cần Giờ và nghe báo cáo về đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP.HCM (cảng Cần Giờ).
Thủ tướng cùng đoàn công tác trao đổi về dự án cảng Cần Giờ (Ảnh: Hữu Hạnh).
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50km, Cần Giờ là huyện duy nhất của TP.HCM giáp biển với 23km bờ biển chạy dài theo hướng tây nam - đông bắc, các cửa sông lớn từ các sông: Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300ha, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Từ ga tàu cao tốc Bạch Đằng tại quận 1, Thủ tướng và đoàn công tác di chuyển bằng tàu thủy trên khoảng 60km đường sông về cửa biển Cần Giờ.
Báo cáo Thủ tướng, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị được giao lập đề án cảng trung chuyển Cần Giờ cho biết, dự án nằm ở vị trí thuận lợi giao thương thế giới. Dự án được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo ông Tuấn, từ cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể khai thác lợi thế vận tải đường biển từ Châu Á sang Châu Âu và Châu Mỹ. Sau khi hình thành, dự kiến cảng Cần Giờ thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp, đồng thời tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động tại cảng và lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics...
Tốc độ tăng trưởng container toàn cầu luôn tăng từ 5-10%. Trong đó, MSC, hãng tàu lớn nhất thế giới hiện nay mong muốn đầu tư xây dựng cảng và cam kết sẽ điều nguồn hàng về khu vực.
Cù lao Phú Lợi, rộng 75ha có vị trí đắc địa trong quy hoạch cảng Cần Giờ (Ảnh: Minh Quang).
Trong giai đoạn khai thác lần đầu vào năm 2027, cảng Cần Giờ có thể đạt công suất 2,1 triệu TEUs, đến 2047 công suất tăng lên 16,9 triệu TEUs. Nhà đầu tư cũng cam kết sẽ phát triển cảng biển xanh, sử dụng các phương tiện chạy bằng điện để giảm thiểu tác động nguy hại cho môi trường.
Ông Tuấn cho biết giai đoạn đầu, dự án sẽ trung chuyển bằng đường thủy. Trong những năm tiếp theo, thành phố mới nghiên cứu, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối. Trong đó, ưu tiên làm đường trên cao kết nối với cao tốc Bến Lức - Long Thành và các đầu mối giao thông lớn.
Nhìn nhận cảng Cần Giờ có tiềm năng trở thành cảng trung chuyển quốc tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng đề nghị các đơn vị tập trung nghiên cứu, đánh giá toàn diện.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp với TP.HCM và các cơ quan triển khai các bước tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ dự án vào tháng 7.
“Việc đánh giá phải kỹ, minh bạch để gửi hồ sơ cho nhà đầu tư”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định cùng với cảng Cái Mép - Thị Vải, dự án cảng Cần Giờ sẽ tương trợ lẫn nhau, thu hút hàng hóa trung chuyển quốc tế, cạnh tranh với các cảng lớn trong khu vực như Singapore, Malaysia và các cảng trên quốc tế.
Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư, nhà đầu tư mong muốn bắt đầu triển khai giai đoạn 1 từ năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027. Giai đoạn cuối cùng được đầu tư và đưa vào khai thác năm 2040.
Siêu cảng có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2km, quy mô 6,8km. Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37ha, diện tích mặt nước 477,63ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340-393m.
Cảng Cần Giờ có công suất gấp gần 3 lần cảng Cát Lái (khoảng 16,9 triệu TEUs), được đề xuất xây tại huyện biển Cần Giờ nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế biển TP.HCM.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận