Chủ đề của hội nghị đối thoại năm 2023 là "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".
Tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có khoảng 350 thanh niên, đầu cầu UBND mỗi tỉnh, thành có tối thiểu 50 thanh niên tham dự. Ngoài ra còn có điểm cầu tại trụ sở Trung ương Đoàn.
Buổi đối thoại của Thủ tướng Phạm Minh Chính với thanh niên diễn ra với ba chủ đề: Giáo dục, đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên 4.0; Rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên và kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa chúc mừng các Bí thư Trung ương Đoàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nghiên cứu để hỗ trợ cho lao động trẻ có thể mua nhà
Tại đối thoại, nhà ở là một trong những vấn đề rất được các thanh niên quan tâm bởi có “an cư mới lạc nghiệp”.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết: “Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”.
Gần đây nhất, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định và lành mạnh. Sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Trong đó, những mục tiêu giải pháp đầu tư về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ rất quan tâm và cụ thể hóa thông qua các nhóm nhiệm vụ giải pháp.
Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ đối thoại với thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh hoàn thiện về thể chế, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030".
“Với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm” - Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ
Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra. Đây là một đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả.
Trong thời gian qua, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2% để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, có 2 gói hỗ trợ gồm: gói 40 nghìn tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15 nghìn tỷ giao Ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Chia sẻ thêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ thấu hiểu yêu cầu "an cư lạc nghiệp” là rất quan trọng với mỗi người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại buổi đối thoại
Người đứng đầu Chính phủ cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho các đối tượng chính sách, người có công.
Trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả "đầu vào" (tức những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà), hỗ trợ cả "đầu ra" (người mua, thuê, thuê mua nhà) để phát huy nguồn lực nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ.
Để thanh niên Việt “sánh vai với cường quốc” thời đại 4.0
Ngoài ra, tại buổi đối thoại, đã có rất nhiều câu hỏi được các bạn sinh viên đặt ra về những khó khăn và thách thức trong giáo dục kỹ năng và đào tạo nghề ở thời đại công nghệ 4.0.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ: “Cuộc sống lúc nào cũng có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn và thách thức…
Cần tháo gỡ các khó khăn, vượt qua các thách thức bằng tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên bằng bàn tay khối óc của mình, không trông chờ, ỷ lại, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh kỷ niệm cùng các đại biểu thanh niên - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, Thủ tướng cho rằng, quan trọng nhất trong khả năng sáng tạo chính là sự đam mê, nhiệt huyết, trăn trở, cháy hết mình, không chịu lùi bước trước mọi khó khăn mà thực tiễn đặt ra, càng khó càng quyết tâm; phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo trong sáng tạo và tư duy ứng dụng.
Thanh niên cũng nên chọn những ngành nghề đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao để theo đuổi, thích nghi với sự thay đổi của thị trường và chủ động, sống có trách nhiệm với bản thân.
Cùng với học tập, năng cao kiến thức chuyên môn, Thủ tướng đặc biệt lưu ý thanh niên, sinh viên phải học tập, trau rồi ngoại ngữ, coi đây là cửa sổ để thanh niên Việt Nam vươn ra thế giới.
Đối với mong muốn về giải pháp của Chính phủ để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết khi tham gia thị trường lao động hiện nay, Thủ tướng cho biết, trong nền kinh tế thị trường ắt phải theo quy luật thị trường, trong đó có quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu. Lao động cũng phải tuân thủ quy luật cung cầu.
Vai trò của Nhà nước là có cơ chế để điều tiết thị trường lao động, đồng thời có chính sách để hỗ trợ người lao động mất việc như hướng nghiệp, đào tạo lại nghề, nhất là cho các lao động trẻ.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho người khuyết tật, người yếu thế thể hiện khát vọng tham gia xây dựng, phát triển đất nước; lan tỏa giá trị con người Việt Nam trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể đóng góp cho xã hội, đất nước.
"Tôi tin chắc là với khí thế của tuổi trẻ, thế hệ trẻ ngày nay sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức như cha ông chúng ta đã làm và không có gì cản trở được sự phát triển của thanh niên chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận