Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị lúa gạo vùng ĐBSCL hồi tháng 3/2017 - Ảnh: Quang Hiếu |
Hội nghị sẽ nhận diện các cơ hội, huy động sáng kiến, kinh nghiệm và nguồn lực nhằm định hình chuyển đổi mô hình phát triển tổng thể, toàn diện, bền vững cho toàn vùng.
Đây được xem là “hội nghị Diên Hồng” cho ĐBSCL, nhằm hiệu triệu các tư tưởng lớn giúp Chính phủ Việt Nam và các địa phương ĐBSCL xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2100; thảo luận về cơ chế điều phối hiệu quả cho việc thực hiện các hoạt động có quy mô lớn, mang tính chất liên vùng và liên ngành tại ĐBSCL; xác định nhu cầu nguồn lực cho việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL, các giải pháp huy động từ các nguồn khác nhau và cơ chế điều phối nguồn lực phù hợp để thực hiện chuyển đổi.
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, hơn 500 đại biểu của các ban Đảng, Quốc hội, T.Ư MTTQ Việt Nam, các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân trong vùng ĐBSCL và khu vực lân cận, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tập trung thảo luận về hàng loạt nội dung lớn.
Cụ thể, hội nghị sẽ đánh giá tổng quan về các thách thức mà ĐBSCL gặp phải trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay và tới năm 2100, trong đó đặc biệt là các thách thức xoay quanh việc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nhận định về các cơ hội mở ra cho phát triển bền vững ĐBSCL; trên cơ sở đó đề xuất các nhóm giải pháp chiến lược mang tính chuyển đổi có quy mô lớn để ĐBSCL có thể phát triển bền vững trong điều kiện tác động của hoạt động sử dụng nước xuyên biên giới và biến đổi khí hậu trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 26 và 27/9.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận