Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm sáng 27/4 - Ảnh: VGP |
Sáng nay (27/4), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Giáo dục mãi không phải là tốt”
Tại đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an toàn thực phẩm là một vấn đề lớn mà nhân dân cả nước rất quan tâm.
"Một vấn đề lớn như thế, dân đang kêu mà chỉ xử lý chung chung, không ai chịu trách nhiệm thì không thể được" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời gian qua, người đứng đầu Chính phủ cho rằng các bộ ngành đã cố gắng rất nhiều nhưng kết quả còn hạn chế nên bây giờ cần phải thay đổi cách tiếp cận.
Theo đó, cùng với những cuộc vận động, phải làm rõ trách nhiệm của địa phương, của người đứng đầu, không thể để vấn đề lớn như thế mà không ai chịu trách nhiệm.
Thủ tướng chỉ đạo, nếu để xảy ra vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở xã, phường thì địa phương phải chịu trách nhiệm, nếu ở Trung ương thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, phải tăng cường giám sát của mọi cấp mọi ngành để có được chuyển biến đồng bộ; Phải đồng tâm hiệp lực để có những cách làm rõ nét nhất chứ không phải báo cáo thành tích.
"Giáo dục mãi cũng không phải là tốt, phải xử lý nghiêm! Một số cơ quan phải ra tay trong vấn đề này. Các cơ quan như công an, thanh tra, quản lý thị trường phải tham gia, từ xử lý hành chính đến xử lý hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm, bảo vệ mạng sống của nhân dân" - Thủ tướng yêu cầu.
Không nêu thành tích, đi thẳng vào những bất cập
Gợi ý thảo luận, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương không nêu thành tích, nói thẳng vào những bất cập, đề xuất những giải pháp cụ thể. Cần làm rõ nghị trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về vệ sinh an toàn thực phẩm sáng 27/4 - Ảnh: VGP |
Theo Phó Thủ tướng, trước năm 2010, công tác quản lý an toàn thực phẩm theo phân khúc nhưng từ khi có luật an toàn thực phẩm thì tất cả những sản phẩm thực phẩm đều có địa chỉ cụ thể là ngành nào quản lý, từ khâu sản xuất, lưu thông, kinh doanh, chế biến kể cả bao bì đóng gói. Trong quá trình triển khai luật an toàn thực phẩm, có một số mặt hàng giao thoa thì các Bộ đã có thông tư liên tịch giao cho bộ nào quản lý chính.
Trách nhiệm của địa phương cũng được quy định rất rõ là quản lý toàn diện công tác Vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương thảo luận về cơ chế cụ thể để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến tài chính cho công đảm bảo an toàn thực phẩm, đổi mới công tác tuyên truyền vận động cả hệ thống chính trị, cộng đồng vào cuộc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải có cơ chế tiếp nhận phản ánh, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; tuyên dương phóng viên, báo chí phát hiện vi phạm, tuyên truyền mô hình mới về thực phẩm an toàn...
Không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật
Phát biểu thảo luận, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng tình hình an toàn thực phẩm hiện nay là đáng báo động, tràn lan, phức tạp, nguy hiểm. Nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này là không xác định được trách nhiệm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm tràn lan.
Bên cạnh đó là do công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng; cơ chế chính sách chưa hỗ trợ để cá nhân, cơ sở sản xuất đầu tư nuôi trồng, tiêu thụ, phân phối quy mô, hệ thống.
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng: Lò mổ bất hợp pháp, cơ sở mất vệ sinh xã, phường biết nhưng không ai bị xử lý cả, đây là trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch. Chúng ta cần phải xác định xử lý trách nhiệm cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến tình trạng lộn xộn, bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm hiện nay.
Bí thư Thành ủy TP.HCM đề nghị Thủ tướng cho phép các địa phương được chủ động tổ chức bộ máy quản lý an toàn thực phẩm trên nguyên tắc không tăng biên chế và kiến nghị cho phép TPHCM thí điểm thành lập cơ quan thống nhất quản lý về an toàn thực phẩm, tiền xử phạt được để lại địa phương để đầu tư cho công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là quản lý thực phẩm tươi sống, rau quả trên địa bàn, dù thời gian qua Thành phố đã nỗ lực thực hiện với nhiều giải pháp quyết liệt nhưng kết quả mang lại chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân; công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân, doanh nghiệp còn hạn chế…
Chủ tịch Hà Nội đề xuất, phải làm rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở; các cơ sở kinh doanh phải nêu rõ nguồn gốc sản phẩm, có địa chỉ, điện thoại cụ thể để thuận lợi cho việc giám sát; các chủ sản xuất phải có đủ phương tiện theo đúng tiêu chuẩn để vận chuyển, bảo quản thực phẩm; bảo đảm an toàn lao động; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người buôn bán, nuôi trồng có kiến thức, chứng chỉ về vệ sinh an toàn thực phẩm mới được kinh doanh; cần ban hành những chế tài mạnh để bảo đảm tính răn đe, nếu cơ sở vi phạm nhiều lần sẽ bị cấm kinh doanh thực phẩm vĩnh viễn....
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận