Thủ tướng lưu ý, "Bộ trưởng mà không quyết liệt thì không làm được". Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Còn nhớ, sau khi Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 19/3/2014 được ban hành, ngày 9/7/2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc làm việc trực tiếp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan. Dư luận khi đó đã coi đây là “phát pháo lệnh” của người đứng đầu Chính phủ để tất cả các cấp, các ngành bắt tay gấp rút triển khai những nhiệm vụ đã được giao trong Nghị quyết 19.
Nay, chỉ hai tuần sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 mới (ngày 12/3/2015), ngày 25/3, Thủ tướng tiếp tục chọn hải quan là lĩnh vực đầu tiên để đốc thúc cải cách. Tiếp sau đây, trực tiếp Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cũng sẽ có các cuộc làm việc tương tự đối với lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội, đăng ký kinh doanh, phá sản doanh nghiệp, cấp phép xây dựng.
Dễ thấy tại sao hải quan tiếp tục được chọn là “đột phá khẩu” của cải cách. Trước hết, như nhận xét của Thủ tướng, cải cách thủ tục hành chính có nhiều lĩnh vực nhưng hải quan là thấy rõ nhất, bởi tất cả đều qua hải quan, từ người vào làm ăn, đầu tư, du lịch cho tới hàng hóa xuất nhập khẩu. Thêm vào đó là vai trò cực kỳ quan trọng của hoạt động xuất nhập khẩu đối với nền kinh tế: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam hiện ở mức khoảng 300 tỷ USD, gấp đôi GDP.
Khác với năm ngoái, cuộc họp lần này có sự tham dự đông đảo hơn nhiều với 7 Bộ trưởng cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành liên quan. Sở dĩ như vậy vì cho đến nay, những vướng mắc về phía ngành Hải quan cơ bản đã được giải quyết, theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong thông quan hàng hóa là thủ tục quản lý của các bộ chuyên ngành, liên quan đến chất lượng hàng hóa, an toàn thực phẩm, kiểm dịch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quản lý hóa chất… Theo các chuyên gia, đây thực sự đang là “nút thắt” đối với mục tiêu cắt giảm thời gian thông quan, với nhiều thủ tục trùng lắp, chồng chéo hoặc không rõ ràng dẫn đến thực hiện tùy tiện…
Trước tình hình này, Nghị quyết số 19 ngày 12/3/2015 đã giao nhiệm vụ cụ thể từng bộ, ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính hải quan, chẳng hạn, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm sửa đổi các quy định về khai báo hóa chất, xuất xứ hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ về chất lượng hàng hóa, Bộ NN&PTNT về kiểm dịch, an toàn thực phẩm…
Có thể nói, lĩnh vực hải quan vừa là một ví dụ nổi bật cho nhu cầu cải cách từ bên trong để tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, vừa là một điển hình cho nhu cầu hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, theo những chuẩn mực thế giới. Nếu như Việt Nam đang lấy chuẩn mực ASEAN-6 làm động lực cho cải cách nói chung, thì ngành Hải quan đang ở vị trí tiên phong với mong muốn đạt chuẩn tiên tiến trên thế giới.
Những khó khăn trong lĩnh vực hải quan cũng là điển hình cho những khó khăn của công cuộc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Như phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, đây thực sự là một “cuộc chiến” và để phát triển bền vững thì “không có gì quan trọng hơn” những nhiệm vụ mà Chính phủ đã nêu tại Nghị quyết số 19.
“Những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia có tác động trực tiếp đối với sản xuất. Doanh nghiệp cảm nhận được sự thay đổi và chúng ta hưởng lợi từ những giải pháp đó. Không cần nhiều tiền bạc, mà quan trọng là tư duy và cách làm. Chỉ cần làm được điều này thôi thì đất nước đã chuyển biến rất mạnh”, Bộ trưởng nói.
Cuộc làm việc của Thủ tướng trước tiên mang ý nghĩa như một lời khẳng định lại về vai trò, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường kinh doanh. Dù từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị quyết về cải thiện môi trường, nhưng theo đánh giá của Chính phủ, một số bộ, cơ quan, địa phương vẫn chưa thực sự thông suốt về yêu cầu này, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết. “Phải thay đổi tư duy quản lý” là thông điệp đầu tiên của Thủ tướng trong buổi làm việc.
Có rất nhiều thứ phải thay đổi. Đó là quản lý Nhà nước phải tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp thay vì gây khó khăn. Đó là việc các cơ quan Nhà nước phải ngồi lại với nhau thay vì bắt doanh nghiệp “bở hơi tai” chạy từ nơi này đến nơi khác để làm thủ tục. Những thói quen, những cách nghĩ thụ động như trước đây cũng phải chấm dứt: Không nên đặt ra vấn đề đã là luật thì không thể “cãi” được, thì cứ thế làm, mà luật cũng đi từ thực tiễn, cũng do các bộ, ngành đề xuất. Lại càng không nên có tâm lý sợ dư luận khi chính mình sửa đổi chính sách của mình.
Cuộc làm việc cũng nhằm đốc thúc tinh thần trách nhiệm của các bộ, ngành: Phải coi đây là một khâu đột phá, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Không có lý do gì Chính phủ và đích thân Thủ tướng đã đưa ra những chỉ đạo “vượt cấp” mà các Bộ trưởng lại có thể đứng ngoài cuộc. Và ngược lại, nếu các Bộ trưởng mà không quyết liệt thì chúng ta cũng không thể giành thắng lợi trong cuộc chiến gian nan này.
Chưa hết, Thủ tướng còn nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương về cách làm. Trong số những nhiệm vụ Thủ tướng chỉ rõ tại cuộc họp, nhiệm vụ đầu tiên là phải căn cứ vào Nghị quyết 19 để bám sát thực hiện. Các bộ, ngành phải rà soát lại từng quy định, nhưng trước hết tập trung sửa đổi những văn bản mà Nghị quyết 19 đã chỉ rõ. Cải thiện môi trường kinh doanh không thể dừng lại ở “quyết tâm” chung chung mà phải theo đúng “công nghệ cải cách” mà Nghị quyết 19 đã xác lập và chứng tỏ hiệu quả trong thực tế.
Cuộc làm việc còn như một lời cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp và dư luận, khi Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo chí tham gia kiểm tra, giám sát theo tinh thần “thẳng thắn phê phán, ai không chấp hành, chấp hành không tốt Nghị quyết 19 cứ điều tra, cứ nêu lên, cứ chỉ rõ”.
Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được “đánh trống bỏ dùi” trong cải cách hành chính và năm 2015 phải có chuyển biến thực sự bằng những con số cụ thể. Từ phát “pháo lệnh” năm ngoái đến cuộc làm việc năm nay, người đứng đầu Chính phủ đã lay mạnh tận gốc rễ những tư duy gây ra sự trì trệ ở không ít các bộ, ngành, địa phương cũng như trong đội ngũ cán bộ công chức. Và Nghị quyết 19 chính là công cụ đắc lực để thực thi sự thay đổi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận