Thủ tướng đối thoại với công nhân - Ảnh: Quang Hiếu |
Đây là năm thứ ba liên tiếp, đúng vào dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân lao động, sau các cuộc đối thoại rất thành công với công nhân tại phía Nam năm 2016 và miền Trung năm 2017.
Ngày 20/5, tại tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với khoảng 1.000 công nhân khu công nghiệp các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là năm thứ ba liên tiếp, đúng vào dịp Tháng Công nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với công nhân lao động, sau các cuộc đối thoại rất thành công với công nhân tại phía Nam năm 2016 và miền Trung năm 2017.
Chia sẻ tại buổi đối thoại, Thủ tướng mong các công nhân có sự trao đổi thẳng thắn, mạnh dạn nêu lên những vấn đề lớn, những khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền sẽ thường xuyên đối thoại, qua đó giải quyết hết được với lộ trình, bước đi phù hợp các vấn đề công nhân đặt ra, không phải chỉ gặp gỡ, đối thoại một lần là xong.
Tại chương trình, nhiều công nhân lao động đã đặt ra nhiều vấn đề thẳng thắn, nêu những khó khăn đang gặp phải, trong đó chủ yếu về tiền lương, sức khỏe, nhà ở và an ninh trong các KCN mà các công nhân đang làm việc…
Sau khoảng 100 phút đối thoại, giải đáp hàng loạt nguyện vọng, thắc mắc của công nhân, Thủ tướng cho rằng, công nhân nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Một số vấn đề lớn mà công nhân đặc biệt quan tâm, bức xúc chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để. Bên cạnh nhiều bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải quyết các kiến nghị của công nhân, quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ công nhân vẫn còn một số bộ, ngành và địa phương chưa tích cực tham mưu, chỉ đạo và tập trung giải quyết các nguyện vọng chính đáng của công nhân lao động.
Để nâng cao năng suất và phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp cần phải tập trung ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ đi đôi với đào tạo đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề để làm chủ khoa học - công nghệ…
Đối với các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu cần có chính sách và giải pháp quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động. Phải kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng năng suất và nâng cao phúc lợi ở từng doanh nghiệp thông qua việc tham mưu thể chế, lắng nghe doanh nghiệp và người lao động, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh.
Tại buổi gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Bùi Văn Cường đã trao học bổng cho 65 công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp của 11 tỉnh đồng bằng sông Hồng. Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng quyết định hỗ trợ 18 “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận