Thời sự

Thủ tướng động viên PVN phải vững tâm, đoàn kết

20/07/2017, 06:34

Ngày 19/7, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

6

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Ngày 19/7, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã dẫn đầu Tổ công tác làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho đơn vị này.

Trong lúc khó khăn, càng phải vững tâm

Nêu ra hàng loạt số liệu cho thấy, 6 tháng đầu năm sản lượng dầu khai thác đạt 7,9 triệu tấn, sản lượng khai thác khí so với kế hoạch 6 tháng bằng 49,5% cả năm, kế hoạch sản xuất đạm vượt 8,5%, tổng doanh thu của tập đoàn 6 tháng đầu năm đạt 247 nghìn tỷ, vượt 15% so với kế hoạch…, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, động viên và khen ngợi PVN trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều nỗ lực. “Đây là thời điểm PVN khó khăn nhất nên càng phải vững tâm, đoàn kết. Trong quá trình kiểm tra phát hiện sai sót, có sai thì phải sửa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong vấn đề triển khai các dự án, thăm dò khai thác để quản lý đồng tiền, quản lý nhân sự, nhất là công tác nhân sự”, Bộ trưởng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng và cho biết, Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình 4 vấn đề.

Theo thống kê, tính từ đầu năm 2016 tới nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao PVN 189 nhiệm vụ, hoàn thành 141 nhiệm vụ (130 trong hạn và 11 quá hạn), còn 48 nhiệm vụ chưa hoàn thành (45 trong hạn và 3 quá hạn). Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho rằng, số nhiệm vụ không nhiều nhưng số nhiệm vụ quá hạn so với các đơn vị được kiểm tra không phải là thấp. Vì vậy, các nhiệm vụ giao đơn vị nào, ai phụ trách, vướng mắc thế nào, nguyên nhân chủ quan hay khách quan, vấn đề nào liên quan tới các bộ… thì nêu rõ. Nếu là trách nhiệm của VPCP thì cơ quan này cũng sẽ xem xét nghiêm túc.

Thứ nhất, là mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả nước, phải tìm cách đạt mục tiêu này. Đây là chỉ tiêu đòi hỏi quyết tâm của tất cả các ngành, các cấp rất lớn, trong đó có đóng góp của PVN. Về việc khai thác dầu, vì tài nguyên không là vô hạn nên phải tính toán để đảm bảo lâu dài nguồn năng lượng cho đất nước.

Vấn đề thứ hai, Thủ tướng yêu cầu PVN giải trình việc xử lý một số dự án đầu tư kéo dài, thua lỗ, kém hiệu quả. Tinh thần chung là cần xử lý sớm, không để thua lỗ kéo dài. Với nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn cho các dự án thua lỗ kéo dài.

Vấn đề thứ ba, là một số dự án tiến độ chậm như: Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2…, Thủ tướng yêu cầu PVN đẩy nhanh tiến độ, đưa vào hoạt động hiệu quả, vì các dự án hoạt động góp phần tăng trưởng cho tập đoàn.

Thứ tư, Thủ tướng lưu ý PVN cần xây dựng niềm tin, trong đó có vấn đề kỷ cương, kỷ luật trong quản lý cán bộ, điều hành, vì vừa qua có sự chững lại trong đôn đốc công việc do thay đổi tổ chức cán bộ, sắp xếp.

Dự án nghìn tỷ thua lỗ là trăn trở, là nỗi đau

Vừa làm rõ các ý kiến, vừa chia sẻ tâm tư với Tổ công tác, Phó TGĐ PVN Lê Minh Hồng cho rằng, hiện PVN đang khó khăn hơn bao giờ hết. Ông Hồng cũng tâm tư việc mất rất nhiều thời gian khi phải thường xuyên tiếp các đoàn kiểm tra, thanh tra, rồi dành thời gian kiểm điểm. “Việc này là cần thiết, nhưng chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu làm sao để gom lại hơn, tạo điều kiện cho PVN còn tương lai để phát triển, tạo ra sản phẩm cho xã hội, tăng trưởng GDP... Chứ như bây giờ, nói thực là không còn tâm trí nào để làm nữa”, ông Hồng thẳng thắn.

Còn 2 tháng nữa Phó TGĐ PVN Lê Minh Hồng sẽ nghỉ hưu, nhưng ông nói không phải sắp về hưu mà ông mới lên tiếng về những việc này. Ông cũng bày tỏ trăn trở việc khắc phục các dự án yếu kém, bởi đang vô cùng vướng mắc. “Các dự án yếu kém này là trăn trở, là nỗi đau của những người làm dầu khí. Chúng tôi xác định đây là lỗi của ngành, ngành phải khắc phục, phải vào cuộc một cách quyết tâm, quyết liệt nhất. Nhưng vướng, khó vô cùng”, ông Hồng chia sẻ và mong muốn Chính phủ hướng dẫn PVN cách xử lý. Bởi, Chính phủ chỉ đạo phải xử lý rốt ráo, dứt điểm nhưng lại không cho tiếp tục “bơm” thêm đồng vốn nào.

“Một người ốm cần tiền để mua thuốc lại không cho tiền mua thuốc thì làm sao chữa bệnh được. Vì các yếu tố của những công ty này đều mang tính Nhà nước cả. Kể cả phá sản cũng cần tiền để xác định giá trị doanh nghiệp, bảo vệ các công trình đó cũng cần tiền. Có công ty bây giờ không còn đồng nào để thuê bảo vệ, trả tiền điện nước, lương... PVN bị chỉ trích rất nhiều, nhưng chúng tôi lúng túng, loay hoay không biết làm thế nào”, ông Hồng tâm tư.

Chia sẻ với những tâm tư của lãnh đạo PVN, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng động viên, các dự án thua lỗ, yếu kém nếu vận hành đưa vào hoạt động ra sản phẩm với giải pháp tích cực, khắc phục tồn tại là tốt nhất. “Những dự án không hoạt động được đề nghị Bộ Công thương, PVN phải có giải pháp, không loại trừ phá sản, bán. Muốn bán, phá sản được phải hoàn công, quyết toán, xác định giá trị ban đầu, tổng mức đầu tư”, Bộ trưởng Dũng lưu ý. Riêng việc không “bơm” vốn, ông Dũng cho hay: “Thực tế đã chứng minh, điều tiết từ ngân sách nữa cũng không thể khẳng định sẽ thành công, hiệu quả được”, ông Dũng nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.