Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải ưu tiên đầu tư cho công tác này cả về lãnh đạo, chỉ đạo, con người, vật chất, thời gian, công sức, điều kiện, chế độ, chính sách… sao cho đúng tầm một khâu đột phá chiến lược.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm giải quyết những ách tắc, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được tháo gỡ để tạo động lực mới, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
5 điểm cần lưu ý trong xây dựng và hoàn thiện thể chế
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục tập trung chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế - một trong ba khâu đột phá chiến lược bằng các biện pháp cụ thể.
Các Bộ trưởng, trưởng ngành, các Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế; tổ chức rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua.
Sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung. Đẩy mạnh công tác xây dựng luật pháp, nâng cao chất lượng các quy định.
Đồng thời, tăng cường nhân lực cho xây dựng và hoàn thiện thể chế, dành ưu tiên về nhân lực cho việc khó này. Phải đầu tư về thời gian, công sức và phải bảo đảm điều kiện, chế độ, chính sách cho những người làm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để người dân nắm vững, hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định.
Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm các khoản chi thường xuyên khác để tập trung cho 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có đột phá thể chế. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá nhưng phải cân đối nguồn lực để làm có trọng tâm, trọng điểm. Có việc làm trước, có việc làm sau, việc gì thật cần thiết thì làm ngay, có nội dung phải thí điểm, có nội dung phải đề xuất một luật sửa nhiều luật…
Các quy định dù có làm kỹ bao nhiêu cũng không thể phủ hết được các góc cạnh của thực tiễn. Phải bình tĩnh, kiên trì, kiên định, tổng kết, đánh giá thấu đáo, sâu sắc, toàn diện, tổng thể, đề xuất vấn đề thực sự có chất lượng, sát thực tiễn, chặt chẽ", Thủ tướng nêu rõ.
Một luật sửa nhiều luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh
Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ dành nhiều thời gian thảo luận về đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh trong tình hình dịch bệnh Covid-19 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các cơ quan, nhất là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương vào cuộc trên tinh thần thực sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các ý kiến cơ bản tán thành với đề nghị xây dựng Luật. Liên quan tới Luật Dược và các quy định về y tế, Nghị quyết 30 của Quốc hội và Nghị quyết 86 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng chống Covid-19 đã cơ bản giải quyết các vướng mắc pháp lý.
Các nội dung khác cần sửa đổi căn cơ phải tuân thủ các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Thủ tướng đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát rất kỹ trên cơ sở một số nguyên tắc, trước hết là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chủ trương “một luật sửa nhiều luật” theo Nghị quyết của Quốc hội.
Thứ hai, những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa, đưa vào quy định.
Những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định, những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng cần có thời gian kiểm chứng, tạo đồng thuận thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
Nguyên tắc thứ ba là phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quản lý nhà nước bằng xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách, thể chế và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra. Các bộ không “ôm” việc, không tập trung dồn việc lên Trung ương.
"Cái gì biết mới quản, không biết thì không quản"
Thủ tướng yêu cầu tuân thủ theo nguyên tắc “cái gì biết mới quản, không biết thì không quản”, những gì cấp dưới làm được, làm tốt hơn thì phân cấp, cơ quan nào làm tốt thì giao việc. Những gì xã hội và người dân làm tốt hơn thì tạo điều kiện để xã hội và người dân làm, trừ những vấn đề, lĩnh vực thuộc an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia.
Một nguyên tắc khác là làm có trọng tâm, trong điểm, lựa chọn làm trước những nội dung cần thiết, cấp bách nhất để tháo gỡ, quyết tâm giải quyết những ách tắc kéo dài nhiều năm chưa được tháo gỡ để tạo động lực, giải phóng các nguồn lực mới cho sự phát triển, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế-xã hội gặp nhiều khó khăn.
Với các nội dung đã được thống nhất tại Phiên họp, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Thủ tướng thay mặt Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về đề nghị xây dựng Luật này, triển khai các bước theo quy định.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trực tiếp chủ trì xử lý các nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tích cực phối hợp để Bộ Tư pháp chọn lọc, tổng hợp. Thủ tướng cũng lưu ý, không thể giải quyết được tất cả các ách tắc ngay trong một lúc, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, xử lý trong thời gian tới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận