Nhắc lại câu thơ "Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó - Mũi Cà Mau", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mỗi người dân và du khách tới Việt Nam đều muốn đặt chân tới vùng đất địa đầu cực Nam của Tổ quốc và yêu cầu thông tuyến cao tốc Bắc - Nam kéo dài tới tận Mũi Cà Mau.
Phải làm nhanh cao tốc, sân bay
Tại hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Cà Mau ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh Cà Mau đã nỗ lực hoàn thành quy hoạch tỉnh, kết nối với quy hoạch của vùng, của quốc gia.
"Đã công bố quy hoạch thì phải tổ chức triển khai thực hiện cho tốt, phải có giám sát, có kiểm tra chặt chẽ, có điều chỉnh kịp thời, hiệu quả, không trông chờ, không ỷ lại", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng nêu ba vấn đề khó khăn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nhiều nơi sạt lở, sụt lún; Giao thông dù đã có nhiều đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu và thứ ba là nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng Chính phủ, trong ba vấn đề khó khăn này của Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Cà Mau cũng không ngoại lệ.
Thủ tướng khẳng định, để phát triển hệ thống giao thông thủy của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, làm cảng biển thì nên kết hợp làm du lịch.
"Cà Mau thiếu hạ tầng giao thông, giống như các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, đường cao tốc phải làm tới tận Đất Mũi, dứt khoát như thế.
Phát triển cảng thủy nội địa và phải làm bằng được đường băng sân bay sớm nhất để máy bay Boeing có thể đáp được, giúp tỉnh Cà Mau phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng, thực hiện quy hoạch phải sắp xếp những gì làm trước, những gì làm sau, làm sân bay, cao tốc phải làm nhanh, phải chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, có cơ chế chính sách rõ ràng để thu hút đầu tư.
Hạ tầng giao thông còn khó khăn
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải báo cáo, tỉnh có vị trí địa lý, địa chính trị thuận lợi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, sạt lở, sụp lún đất; cách xa các trung tâm kinh tế lớn; hạ tầng giao thông kết nối yếu kém...
Ông Hải cho rằng, Cà Mau có địa hình chia cắt bởi sông ngòi, kênh rạch chằng chịt; Địa chất yếu lại không có vật liệu xây dựng tại chỗ, dẫn đến suất đầu tư công trình, nhất là hạ tầng giao thông cao hơn nhiều so với các tỉnh lân cận. Cà Mau cũng là tỉnh duy nhất trong khu vực không có nguồn nước ngọt bổ sung từ sông Mê Kông.
"Đây là những "điểm nghẽn" ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cà Mau trong thời gian qua. Những khó khăn này đã được tỉnh nhận diện và tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cà Mau lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh đã đề ra những giải pháp thực hiện hết sức cụ thể và quyết liệt để khắc phục", ông Hải chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg ngày 16/11/2023 (có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành).
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh Cà Mau trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại; Có nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển; Hệ sinh thái được bảo tồn, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu; Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.
Từng bước hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông. Các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp V đồng bằng, 100% đường huyện được cứng hóa, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp VI đồng bằng. Cơ bản hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hoàn chỉnh các tuyến vận tải đường thủy kết nối.
Quy hoạch tỉnh Cà Mau cũng xác định, phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, toàn diện, hiện đại. Nâng cấp Cảng hàng không Cà Mau phù hợp với định hướng phát triển của ngành giao thông vận tải. Đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội đồng bộ cho khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, các khu du lịch và các khu chức năng quan trọng khác.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển trọng tâm là đầu tư Cảng biển tổng hợp Hòn Khoai, khu kinh tế Năm Căn, đề án xuất khẩu điện tỉnh Cà Mau (sau khi được cấp thẩm quyền phê duyệt), năng lượng tái tạo; Phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, du lịch, hạ tầng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…".
Theo quy hoạch tỉnh Cà Mau, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt trên 7,5%/năm. Quy mô GRDP năm 2030 gấp 2-2,5 lần so với năm 2020.
Tỷ trọng khu vực ngư, nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 23%; Công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 36,5%; Dịch vụ chiếm khoảng 37%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 3,5%.
GRDP bình quân đầu người đạt trên 146 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021-2030 bình quân đạt khoảng 30-35% GRDP. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội giai đoạn 2021-2030 bình quân trên 7%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2021-2030 bình quân tăng 12-15%/năm. Tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 36%. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận