Xã hội

Thủ tướng khen ngợi Bộ Công thương cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh

22/09/2017, 10:32

Thủ tướng khen ngợi Bộ Công thương đã cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, việc này nằm ngoài mong đợi của Thủ tướng.

botruongcongthuonghoangtuananh

Bộ trưởng Bộ Công thương vừa ra quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh

Ngày 22/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với Bộ Công Thương về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng quyết tâm đạt tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017, dư địa cho tăng trưởng chính là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra chuyên ngành nói chung đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Mỗi năm, các doanh nghiệp tốn khoảng 30 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho hoạt động này.

“Chúng ta không thể buông lỏng quản lý Nhà nước nhưng phải xem xét thực tế tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2017 là năm Chính phủ đưa ra mục tiêu cắt giảm chi phí chính thức và không chính thức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Cũng tại đây, Tổ công tác chuyển lời của Thủ tướng khen ngợi Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn ANh một số vấn đề. Trước hết, Bộ đã tiên phong trong vấn đề đổi mới sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn theo chỉ đạo của Thủ tướng, giảm được 5 đầu mối. Thủ tướng cũng biểu dương vừa qua Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trực tiếp chỉ đạo xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài, lập tổ công tác đặc biệt, Bộ đã tham mưu cho Thủ tướng xử lý, đưa giải pháp cho từng dự án, có dự án tiếp tục đưa vào hoạt động, có dự án tính phương án bán, cổ phần hóa, phá sản…

Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 21/9, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã ký quyết định phê duyệt phương án cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, tức là cắt giảm 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh. “Đây là động thái tích cực, mạnh mẽ nhất, đầu tiên trong các bộ trong thực hiện cải cách điều kiện kinh doanh”, Tổ trưởng Tổ công tác nói.

Ông cho rằng đây là động thái rất tích cực, đòi hỏi làm công tác tư tưởng rất tốt. "Việc kiểm tra này đã nhiều năm, chúng ta không thể bỏ kiểm tra, nhưng không vì lý do đó mà trói buộc doanh nghiệp. Các bộ kiểm tra rất nhiều, nhưng phát hiện cực kỳ ít, chỉ 0,06% lô hàng phát hiện vi phạm. Bộ Công Thương đã thấy được điều này, rất tích cực, với quyết tâm rất cao của Bộ trưởng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng nêu một số vấn đề yêu cầu Bộ cần tiếp tục làm tốt. Trước hết, tiếp tục xử lý các dự án yếu kém, thua lỗ. Đây là trách nhiệm rất lớn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh được Thủ tướng giao.

“Việc này không thể kéo dài mãi được. Dự án không khôi phục được, không bán được thì phải tuyên bố phá sản, gắn với trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý.

Thứ hai, tập trung thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước. Trong việc này, Thủ tướng đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, bán bao nhiêu phần trăm vốn Nhà nước là do Bộ trưởng quyết định, mục tiêu là thu lại cho Nhà nước cao nhất, không tiêu cực, không lợi ích nhóm… "Nếu có vướng mắc thì Bộ Công Thương làm việc với các bộ, nhưng ngay cả khi không thống nhất được, quyết định cuối cùng thuộc về Bộ trưởng Công Thương, chứ không báo cáo Thủ tướng nữa" - Tổ trưởng Tổ công tác nêu rõ.

Riêng với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, Tổ trưởng Tổ công tác cho biết việc Bộ Công Thương loại bỏ 58% số mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành là “tích cực hơn mong đợi của Thủ tướng, của Tổ công tác”, nhưng còn một số vấn đề cần tiếp tục xử lý. Đây là những vấn đề chung của các bộ, trong đó có Bộ Công Thương.

Tổ trưởng Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Công Thương hết sức quan tâm trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Từ 1/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trực tiếp đứng tên trên Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến của doanh nghiệp. Điển hình kiến nghị của Công ty cổ phần Dịch vụ viễn thông TNT: “Chúng tôi khẩn thiết mong Chính phủ quan tâm đến các vấn đề này để doanh nghiệp bớt khổ. Hiện nay chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề đối với thủ tục nhập khẩu thiết bị viễn thông. Đối với các thiết bị phải xin giấy phép nhập khẩu thì khi thông quan yêu cầu phải có giấy phép, muốn có giấy phép phải có hợp quy, muốn hợp quy phải đưa thiết bị về đơn vị chuyên môn đo kiểm, do đó lại phải xin giấy phép tạm nhập để đo kiểm từ Bộ Công Thương nhanh thì mất 1 tuần, đưa thiết bị về đo kiểm nhanh mất 10 ngày, xin hợp quy mất 10 ngày nếu nhanh, xin giấy phép mất 10 ngày nếu nhanh. Trong khi Hải quan yêu cầu tối đa 30 ngày phải nộp giấy phép.

Doanh nghiệp đều phải chạy “vắt chân lên cổ” và phải chạy vạy may ra mới kịp vì chỉ sai hay thiếu 1 giấy tờ gì là mất thêm vài ngày. Kính mong Chính phủ xem xét và đề nghị các cơ quan ban ngành phối hợp đưa ra phương án tối ưu giúp doanh nghiệp”.

Với kiến nghị này, theo Tổ trưởng Tổ công tác, Bộ Công Thương đã trả lời nhưng chưa thuyết phục được doanh nghiệp.

img

Bộ Y tế ban hành văn bản trái chỉ đạo của Thủ tướng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.