Xã hội

Thủ tướng không muốn phải nghe thêm về vướng mắc dự án Trung Lương-Mỹ Thuận

30/07/2019, 15:29

Sau cuộc họp bàn giải pháp thúc đẩy dự án Trung Lương-Mỹ Thuận, Thủ tướng nhấn mạnh ông không muốn nghe thêm về vướng mắc, khó khăn như vừa qua.

img
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP

Sáng 30/7, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy dự án tuyến cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Bộ: GTVT, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ, tỉnh Tiền Giang- cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án và nhà đầu tư, ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho dự án.

Thông xe toàn tuyến vào 2020

Sau khi lắng nghe các ý kiến về tình hình triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, các vướng mắc cũng như giải pháp tháo gỡ, phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa kinh tế, chính trị của tuyến đường này khi ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm gồm 13 tỉnh với hơn 20 triệu dân chỉ có một tuyến duy nhất. Người dân rất mong chờ tuyến đường này và thời gian qua, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy dự án.

Thủ tướng nêu rõ, tỉnh Tiền Giang, với vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án, phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, các tỉnh ĐBSCL về đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này.

Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì với các bộ liên quan nghiên cứu một tuyến đường sắt tốc độ cao ở khu vực ĐBSCL “chứ không chỉ có một tuyến đường bộ”, chưa kể hệ thống giao thông đường thủy, hệ thống logistics cần được phát triển tốt hơn, các cảng biển ở khu vực này được đề cập rõ nét hơn để tạo điều kiện cho ĐBSCL cùng với cả nước phát triển.

Về tiến độ, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cơ bản thông xe toàn tuyến vào năm 2020 và khánh thành vào năm 2021. Bên cạnh bảo đảm tiến độ thì chất lượng là vấn đề đặt ra hàng đầu, không phải vì thúc đẩy tiến độ mà “làm trước hỏng sau, để người dân kêu ca, phàn nàn, do thất thoát, do không giám sát, do thi công cẩu thả, do thiết kế không có tính toán…”.

Về những thủ tục có liên quan đến thẩm định thiết kế, thiết kế cơ sở, đơn giá vật liệu, tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT cùng các bộ, cơ quan liên quan họp để thống nhất giải quyết dứt điểm trên cơ sở pháp lý. Phải xử lý nhanh những thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay, mà trước hết là phê duyệt tổng mức đầu tư.

Về giải phóng mặt bằng, Thủ tướng hoan nghênh Tiền Giang đã tích cực triển khai và hiện đã giải phóng được 99,4%, chỉ còn mấy chục hộ, đồng thời đề nghị tỉnh tập trung hoàn thành nốt công tác này trên cơ sở giải quyết quyền lợi chính đáng cho người dân để có mặt bằng sạch, thi công liên tục.

Ngân hàng có trách nhiệm cung ứng đủ vốn, kịp thời

Thủ tướng lưu ý, công trình này phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; không tham nhũng tiêu cực; phải công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Thủ tướng nhấn mạnh, các đơn vị tập trung phương tiện, thiết bị thi công với tiến độ hợp lý, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng. Ngân hàng có trách nhiệm cung ứng đủ vốn, kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu phải phối hợp tốt hơn nữa, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý liên tục để bảo đảm công việc thông suốt. Hàng tháng, Bộ GTVT phối hợp với tỉnh Tiền Giang báo cáo Thủ tướng tiến độ cũng như các công việc có liên quan tới dự án.

Thủ tướng hy vọng sau cuộc họp này thì chỉ còn nghe về những đơn vị, con người kiên cường thi công để bảo đảm tiến độ, không còn phải nghe về những ách tắc, khó khăn như vừa qua vướng phải.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, có tổng chiều dài 51,1km. Điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Dự án có tổng mức đầu tư phê duyệt năm 2014 là 14.678 tỉ đồng và năm 2017 được điều chỉnh là 9.668 tỉ đồng.

Ngày 22/3/2019, Bộ GTVT đã ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận về tỉnh Tiền Giang. Theo đó, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thay thế Bộ GTVT trở thành cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (nhà đầu tư dự án), sau khi tái khởi động vào cuối tháng 3/2019, khối lượng thi công dự án đã đạt khoảng 22% (1.107 tỉ đồng), tăng hơn 10% so với trước đây.

Hiện số tiền đổ vào dự án khoảng 3.000 tỉ đồng, trong đó chủ yếu là tiền của chủ đầu tư và nhà thầu. Mới đây UBND tỉnh Tiền Giang đã tạm ứng cho nhà đầu tư khoảng 228 tỉ đồng để giải phóng mặt bằng trong thời gian chờ nguồn vốn ngân sách và vốn vay tín dụng. Tuy nhiên số tiền chẳng thấm vào đâu so với một dự án có quy mô và vốn đầu tư lớn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.