Phải xem hỗ trợ đến nơi, đến chốn chưa
Sáng nay (13/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về công tác chuẩn bị Hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh ứng phó dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng nêu rõ, việc đầu tiên trong giai đoạn hiện nay là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhưng nhiệm vụ thứ hai rất quan trọng đối với Chính phủ là bảo vệ lực lượng sản xuất, trước hết là các loại hình doanh nghiệp để kinh tế không bị đổ gãy.
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó mức độ thiệt hại đối với cộng đồng doanh nghiệp rất nặng nề, có những ngành bị ảnh hưởng rất lớn như du lịch, vận tải, dịch vụ ăn uống… Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp Nhà nước mà cả doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn chồng chất.
"Trước tình hình ấy, nếu không nhìn thấy, không có sự động viên, khích lệ, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, sự vươn lên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp - nhân tố quan trọng đóng góp cho tăng trưởng, giải quyết việc làm, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", Thủ tướng nói
Thủ tướng hoan nghênh các sáng kiến triển khai các gói hỗ trợ và cho rằng, tiếp theo các gói hỗ trợ thì nên có một hội nghị với doanh nghiệp toàn quốc để lắng nghe thêm ý kiến, để kiểm tra “xem sự hỗ trợ của chúng ta đã đến nơi, đến chốn chưa, có gì vướng mắc”. Thủ tướng mong muốn lắng nghe đầy đủ ý kiến của các loại hình doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề… để có quyết sách đúng.
“Chúng ta đã có một số biện pháp hỗ trợ thì chúng ta tiếp tục lắng nghe trong thời gian tới, những biện pháp như vậy đã bao quát chưa”, Thủ tướng nhấn mạnh và lấy ví dụ về một giải pháp ít tốn kém mà Nhà nước làm được là tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Do đó, cần tháo gỡ cơ chế nào ràng buộc, gây khó, tạo thuận lợi cho mọi loại hình doanh nghiệp vươn lên, làm sao có dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam.
Giữ mặt trận về kinh tế không bị đứt gãy
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, cộng đồng doanh nghiệp đều đồng thuận tổ chức hội nghị toàn quốc của Thủ tướng với doanh nghiệp, với mục tiêu là động viên, khích lệ cộng đồng doanh nghiệp bình tĩnh, tự tin, vững bước vượt qua khó khăn, thách thức; đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, mặt trận thứ nhất là “chống dịch như chống giặc”, mọi người dân là chiến sĩ trên mặt trận đó.
Bây giờ, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam đã khó khăn nhiều, phải có mặt trận thứ hai là mặt trận phát triển kinh tế, trong đó, doanh nghiệp, doanh nhân là chiến sĩ.
“Chúng ta giữ cho mặt trận thứ hai về kinh tế không bị đứt gãy, giữ được việc làm cho người lao động và có sự tăng trưởng cần thiết, là yêu cầu cấp bách hiện nay”.
Thủ tướng khẳng định sự cần thiết tổ chức hội nghị để phục hồi nền kinh tế sau dịch Covid-19 với chủ đề hướng vào tái khởi động nền kinh tế sau dịch. Tại hội nghị, cần có báo cáo về tình hình doanh nghiệp hiện nay và các định hướng lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển các loại hình doanh nghiệp, giữ nhịp độ phát triển.
Thủ tướng nhất trí việc tổ chức hội nghị theo hình thức vừa trực tuyến vừa truyền hình trực tiếp và thời gian tổ chức vào thời điểm phù hợp, phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh bởi bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất.
Sau hội nghị, sẽ có một quyết định về chương trình hành động tái khởi động nền kinh tế hoặc một nghị quyết nêu các biện pháp cần thiết thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận