Trong chương trình công tác tại Bạc Liêu, chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh và quy hoạch vùng ĐBSCL.
Cùng dự có Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; lãnh đạo bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc
Báo cáo của Tỉnh ủy Bạc Liêu và các ý kiến tại buổi làm việc đánh giá, năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, song tỉnh Bạc Liêu đã nỗ lực, cố gắng và dự kiến có 15/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, GRDP ước cả năm tăng 9,6%, cao hơn ước chung cả nước là 8%. Thu ngân sách Nhà nước năm 2022 ước đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng, vượt 25,7% dự toán, tăng 10,7% so với năm 2021.
Tỉnh Bạc Liêu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành xem xét một số nội dung về phát triển năng lượng; đầu tư cao tốc nối cao tốc Cần Thơ- Cà Mau tới tuyến đê biển Bạc Liêu; đầu tư tuyến đường ven biển Bạc Liêu; nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và một số vấn đề liên quan quản lý đất đai, khoáng sản; hỗ trợ người dân mua bảo hiểm xã hội...
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Bạc Liêu phải phát huy tối đa nội lực "đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình; biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể".
Đẩy mạnh phát triển hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới; tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu xây dựng các trường dạy nghề, đại học phù hợp với lợi thế, chiến lược phát triển của tỉnh.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý tỉnh coi trọng và đẩy mạnh công tác quy hoạch, trong đó quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế; trong quy hoạch phải dành những vị trí "đất vàng" thuận lợi cho phát triển sản xuất, kinh doanh tạo công ăn việc làm, của cải vật chất.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của Bạc Liêu, Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu phối hợp với các Bộ, ngành để có hướng giải quyết và sớm triển khai trong thời gian sớm nhất đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…
Thủ tướng đề nghị tỉnh có giải pháp huy động nguồn lực toàn xã hội, trong đó có hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực xã hội; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng và giải ngân vốn đầu tư công; tạo sự chuyển biến rõ nét về hạ tầng kinh tế-xã hội theo hướng tăng cường tính liên kết nội tỉnh và liên kết vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý tỉnh Bạc Liêu cần tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực chất lượng. Ảnh: N.B
Nhiều kiến nghị liên quan hạ tầng giao thông
Trước đó, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đề xuất và kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư đoạn đường cao tốc từ nút giao IC6 ra đê biển Bạc Liêu (thuộc quy hoạch cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu).
Đồng thời, xem xét cho tỉnh đầu tư Dự án “Đường ven biển đoạn đi qua tỉnh Bạc Liêu sử dụng vốn vay nước ngoài”; quy mô dài 60,5 km kết nối từ Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau. Dự kiến thời gian thực hiện đến năm 2030, tổng mức đầu tư 3.441 tỷ đồng.
Bố trí nguồn vốn thực hiện Dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn qua địa phận tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh; thực hiện thủ tục đất đai tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Về phát triển lĩnh vực năng lượng (phát triển điện gió) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được bổ sung quy hoạch điện gió của tỉnh giai đoạn đến 2025, tổng cộng 2.000MW.
Sáng cùng ngày, Thủ tướng và đoàn công tác đã sát công tác GPMB đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Tại buổi khảo sát, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT thẩm định phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thiết kế và bàn giao hồ sơ và cọc mốc GPMB cho địa phương để thực thực hiện công tác GPMB.
Đảm bảo bố trí đủ vốn cho địa phương để tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB theo quy định; phối hợp với địa phương trong quá trình triển khai công tác GPMB và tiếp nhận mặt bằng sạch để tổ chức thi công dự án.
Đồng thời, tiếp tục triển khai các tuyến đường kết nối ngang với tuyến đường chính, bố trí các nút giao phù hợp để tạo không gian phát triển mới, bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật của tuyến đường.
Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 110km, có 11 nút giao liên thông với tổng vốn đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng. Có khoảng 3.800 hộ dân phải di dời, hiện nay các cơ quan đã đền bù đạt khoảng 85% kinh phí để sẵn sàng giải phóng mặt bằng.
Dự án trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đi qua 2 xã Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân với chiều dài 7,7 km. Giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu khoảng 184,51 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận