Giá thịt lợn chưa có dấu hiệu giảm
Hôm nay (24/3), Theo khảo sát của PV Báo Giao thông tại hầu hết các chợ truyền thống hay siêu thị giá thịt lợn đều “neo” cao khoảng 140-180 nghìn đồng/kg, thậm chí còn trên 200 nghìn đồng.
“Mấy hôm nay, giá thịt lợn vẫn chững ở mức cao không có dấu hiệu giảm. Lợn hơi mua vào giá 85-86 nghìn đồng/kg, lợn móc hàm vẫn ở mức giá trước đây là 117-120 nghìn đồng/kg nên thịt lợn bán ra cũng không giảm so với mức 150-180 nghìn đồng/kg”, chị Hồng, tiểu thương chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết.
Cụ thể, thịt mông có giá 150 nghìn đồng/kg, thịt vai 160 nghìn đồng/kg,ba chỉ và bắp giò 180 nghìn đồng/kg, sườn thăn 180 nghìn đồng/kg…
Anh Toản, tiểu thương chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy) cũng thừa nhận, giá thịt lợn không hề giảm với mức bán phổ biến 140-170 nghìn đồng/kg nhưng sức mua giảm rõ rệt.
Chúng tôi mong chờ giá thịt lợn giảm từng ngày bởi mùa hè là mùa khó tiêu thụ thịt. Cứ đà giá này, chúng tôi cũng khó giữ nghề bởi kinh doanh phải thuận giữa thời và giá. Dịch bệnh đã khó khăn, giá thịt lợn cao càng đè nặng kinh tế của mỗi nhà”, anh Toản buồn bã.
Tại lò mổ, nơi thường mua được giá rẻ hơn những tiểu thương mua lẻ, ông Hồ Văn Liêm (Mê Linh, Hà Nội) cũng cho biết: "Lợn hơi xuất chuồng vẫn giữ nguyên giá 83-85 nghìn đồng/kg với số lượng mua 10-20 con nhưng thời gian này tiểu thương đi chợ ít vì ế ẩm nên lò mổ của tôi hôm nào có khách báo trước được nhiều thì mở, không thì cũng đóng cửa vì không có lãi".
Tương tự, tại siêu thị Vinmart Nghĩa Tân, giá thịt lợn của CP đang bán cao hơn so với thị trường từ 10-30 nghìn đồng/kg. Cụ thể, móng giò có giá thấp nhất là 154.900 đồng/kg, thịt ba chỉ 203.300 đồng/kg, sườn non có giá cao nhất là 222.900 đồng/kg…
Vì sao chưa giảm giá thịt lợn?
Trao đổi với PV Báo Giao thông về kế hoạch đồng hành cùng Chính phủ trong việc đưa giá lợn hơi về dưới 60 nghìn đồng/kg, đại diện Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP) khẳng định đã điều chỉnh giá bán lợn kịp thời và đều thấp hơn giá thị trường.
“Thời điểm trước đó, theo lời kêu gọi của Chính phủ, CP đã đưa giá lợn hơi về mốc dưới 75 nghìn đồng/kg, thời gian đó cũng kéo dài trong 2-3 tháng nay, lúc đó giá bán thịt lợn trên thị trường cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên sau đó, giá lội ngược dòng tăng cao, điều này hoàn toàn không phải do CP nâng giá bán lợn hơi”, vị đại diện khẳng định.
Lý giải về việc tăng giá, đại diện CP Việt Nam nhấn mạnh, giá lợn ngoài thị trường còn cao vì phải qua nhiều "nấc thang". "Tuy nhiên nói đây là sự bắt tay như báo chí truyền hình nêu là không thể, bởi mỗi doanh nghiệp có 1 chức năng riêng, nhiệm vụ riêng nên không thể hạch toán cùng nhau để tạo nên sự nâng giá. Vì nếu có, nó cũng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn khi biến đổi của thị trường sẽ tự phá vỡ quy luật", đại diện CP khẳng định.
Nói về việc điều chỉnh giá thời gian tới, đại diện CP bày tỏ 2 quan điểm: “Quan điểm đầu tiên vẫn phải theo quy luật thị trường, quan điểm 2 là đồng hành với tất cả chủ trương của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp để hướng đến ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững đó là tạo được một thị trường có mức giá không quá cao. Khi nguồn cung trên thị trường dồi dào thì tự diễn biến của thị trường sẽ được cân đối bởi đặc trưng hàng thịt lợn không như hàng khô có thể trữ kho”.
Trước vấn đề trên, ông Vũ Vinh Phú, Nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội đồng tình với việc nhập khẩu thịt lợn đông lạnh đề giảm sức "nóng" trong nước bởi theo nguyên lý kinh tế khi cung tăng thì giá sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Phú đặt câu hỏi: Số thịt lợn nhập khẩu đi đâu khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn công khai thông tin nhập 13 nghìn tấn từ đầu năm đến nay nhưng trên thực tế đi vào siêu thị “tìm vàng mắt” không ra thịt lợn nhập khẩu.
“Vậy thịt lợn nhập khẩu đang ở đâu là bài toán hiện chưa có câu trả lời và chỉ khi giải được bài toán đó mới “mở khóa” được giá thịt lợn. Muốn như thế phải có sự kết nối với khâu phân phối là các siêu thị, các cửa hàng bình ổn để người dân có thể mua được thịt lợn giá rẻ…”, ông Phú nhận định.
Cũng theo ông Phú, chúng ta cần bàn lại về kinh tế chia sẻ bởi ngược với hình ảnh một số tổ chức cá nhân sản xuất và phát miễn phí hàng hóa chống dịch cho mọi người, thì vẫn còn những đơn vị kinh doanh siêu lợi nhuận, điển hình là mặt hàng thịt lợn. Suốt từ Tết Âm lịch đến nay, thịt lợn liên tục tăng giá cao chót vót và chỉ giảm giá nhỏ giọt khi có ý kiến của Nhà nước; Có doanh nghiệp giảm thời gian ngắn sau đó lại tăng giá lại.
Một nghịch lý trên thị trường là từ trang trại chăn nuôi của các tập đoàn lớn, giá lợn hơi cho đến khâu bán lẻ đã tăng từ 45-60%, với mức lãi 2-3 triệu đồng/con thì một đơn vị có thể thu lãi hàng nghìn tỷ 1 tháng. Đây là một mức lợi nhuận vô lý, không thể chấp nhận được.
“Nguyên nhân thì đã rõ: Thứ nhất, một số trang trại chăn nuôi lớn có số lượng áp đảo về số đầu lợn đã có hiện tượng ghìm giá lợn hơi, hoặc liên kết ngang để cùng thống nhất một mức giá. Họ còn có những biểu hiện tiếp tay cho thương lái và các công ty liên kết của họ, việc làm này đã tạo thêm những chi phí trung gian góp phần đẩy giá lên ở thị trường bán lẻ.
Ngoài ra, cũng cần phải nhắc lại rằng trong thời kì giá lợn bị sa sút, xuống 22.000-25.000đ/kg hơi thì ngành chăn nuôi lại kêu gọi người tiêu dùng giải cứu. Ngày nay, giá lợn hơi đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi một cách vô lý thì họ có giải cứu người tiêu dùng hay không?", ông Phú đặt câu hỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận