Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (trái) và người tiền nhiệm Najib Razak |
Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho hay, “di sản” mà chính phủ của ông Najib Razak để lại là khoản nợ hơn 1.000 tỷ ringgit (tương đương 251,7 tỷ USD) và tuyên bố sẽ thu hồi lại toàn bộ khoản tiền đã thất thoát.
“Nợ ngập đầu”
Thủ tướng Mahathir vừa công khai thông tin gây sốc rằng, nhiều số liệu về tình hình tài chính quốc gia đã bị giả mạo.
Trong cuộc họp nội các lần đầu tiên sau khi thắng cử hôm 9/5, ông Mahathir nói rằng: “Chúng tôi nhận thấy ngân sách tài chính của đất nước đã bị lạm dụng tới mức bây giờ chúng ta đang đối mặt với các khoản nợ lên tới 1.000 tỷ ringgit”.
Theo vị Thủ tướng 93 tuổi, đất nước Đông Nam Á trong giai đoạn ông lãnh đạo từ năm 1981 - 2003 chưa bao giờ phải đối mặt với khoản nợ nào lên tới 300 tỷ ringgit (72 tỷ USD), chứ chưa nói tới con số khổng lồ 251,7 tỷ USD.
Nhà lãnh đạo Malaysia đổ lỗi cho cựu Thủ tướng Najib Razak, người đang bị điều tra vì nghi án biển thủ hàng tỷ USD từ Quỹ Đầu tư phát triển nhà nước 1 Malaysia Development Berhad (1MDB).
Trong khi đó, ông Najib bác bỏ cáo buộc liên quan đến khoản nợ lên tới mức báo động dưới thời ông điều hành đất nước và cho rằng, nợ quốc gia chiếm khoảng 50,9% GDP Malaysia vào tháng 6/2017, thấp hơn mức giới hạn mà chính phủ đặt ra là 55%.
Quỹ 1MDB được thành lập năm 2009 bởi chính quyền ông Najib nhằm phát triển kinh tế qua các kênh đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, quỹ này nhanh chóng rơi vào khủng hoảng và số nợ cao nhất lên tới 50 tỷ ringgit (hơn 12 tỷ USD). Vụ bê bối này cũng là một trong những lý do chính khiến liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia (BN) bị đánh bại trong cuộc tuyền cử ngày 9/5.
Sau chiến thắng trong kỳ bầu cử vừa qua, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad cho mở lại cuộc điều tra về 1MDB và cam kết sẽ trả lại cho quỹ phát triển này số tiền đã mất.
Tăng tốc điều tra 1MDB
Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) đã triệu tập cựu Thủ tướng 64 tuổi tới trụ sở tại Putrajaya (thủ đô hành chính của Malaysia) ngày 22/5 để thẩm vấn về cáo buộc khoản tiền 42 triệu ringgit (10,5 triệu USD) được chuyển từ SRC International Bhd sang tài khoản cá nhân của ông Najib từ giữa năm 2014 đến tháng 1/2015.
SRC International Bhd từng là công ty con của 1MDB. Vì thế, số tiền này có khả năng là một phần nhỏ trong hàng tỷ USD được biển thủ từ 1MDB.
Lệnh triệu tập này được đưa ra vài ngày sau khi cảnh sát lục soát 6 địa điểm bao gồm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ, nơi cư trú của ông Najib ở Taman Duta và 4 căn nhà khác liên quan đến ông.
Điều đáng nói là trong số các vật dụng thu giữ từ căn hộ cao cấp bậc nhất ở trung tâm Thủ đô Kuala Lumpur của cựu Thủ tướng có 284 túi xách hàng hiệu và 72 bao chứa đầy tiền mặt và đồ trang sức.
Những nỗ lực điều tra này cho thấy ông Mahathir đang thực hiện đúng những gì đã hứa trong quá trình tranh cử. Chính quyền Malaysia mới cũng thành lập một đoàn điều tra liên ngành, với sự tham gia của Ngân hàng Trung ương, cảnh sát, Ủy ban Chống tham nhũng và cả một văn phòng luật sư, để điều tra cáo buộc hàng tỷ USD đã bị biển thủ từ quỹ 1MDB.
Đoàn điều tra sẽ phối hợp với giới chức trách Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Canada và nhiều nước khác để thu thập dữ liệu và chứng cứ.
Đặc biệt, một số nhân vật quan trọng trong đội điều tra nói trên từng là những người bị ông Najib cách chức khi điều tra nhằm vào 1MDB năm 2015. Trong đó, cựu Tổng Chưởng lý Abdul Gani Patail và cựu lãnh đạo Ủy ban Chống tham nhũng (MACC) Abu Kassim Mohamed sẽ đứng đầu nhóm điều tra đặc biệt.
Văn phòng Thủ tướng Mahathir cho hay, cơ quan điều tra đặc biệt này có quyền tịch thu tài sản và kiện bất kỳ đối tượng bị nghi ngờ vi phạm pháp luật liên quan đến quỹ trên.
Cũng trong tuần đầu tiên lên cầm quyền, ông Mahathir đã thông báo rằng, thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) ở Malaysia, tương tự thuế giá trị gia tăng (VAT) ở các nước khác sẽ giảm từ 6 xuống 0% từ ngày 1/6.
Trong khi đó, Chính phủ mới cũng hứa sẽ tái thiết lập các khoản trợ cấp nhiên liệu nhằm làm giảm chi phí sinh hoạt đang ngày càng tăng ở Malaysia.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo, các biện pháp tài chính của ông Mahathir có thể làm “trầm trọng” hơn khoản thâm hụt ngân sách ở Malaysia mà không có bất kỳ biện pháp bù đắp nào thay thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận