Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng trưng bày tại hội nghị. Ảnh Lê An |
Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của An Giang. Hội nghị góp phần tạo cơ hội cho địa phương quảng bá, giới thiệu về các thành tựu kinh tế – xã hội, tiềm năng, thế mạnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư, qua đó huy động các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy nền kinh tế của địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; khoảng 500 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, các chuyên gia kinh tế, các đối tác quốc tế; các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước..
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao địa phương đã phối hợp cùng với các bộ, ngành đã tổ chức hội nghị. Đây là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Theo Thủ tướng, Hội nghị lần này có hai từ khóa quan trọng đó là "kết nối" và "hợp tác". "Đây không chỉ là khẩu hiệu, tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng nhau hành động nhất quán theo tinh thần đó vì sự phát triển của An Giang nói riêng và thực tế ĐBSCL nói chung", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.
Với vị trí chiến lược là tỉnh đông dân nhất vùng đầu nguồn sông Cửu Long với với hai nhánh Sông Tiền và Sông Hậu chảy song song gần 100km, An Giang không những là vựa cá, vựa lúa, nguồn xuất khẩu nông thủy sản chiến lược mà còn cùng với Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, là 1 trong 4 "con chiến mã" được kỳ vọng dẫn đầu tăng trưởng về kinh tế. Thủ tướng mong muốn nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến An Giang đầu tư, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, trong đó có phần lợi nhuận của doanh nghiệp, công ăn việc làm, thu nhập của người dân...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, liên kết vùng là một vấn đề hết sức quan trọng với sự phát triển của An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung. Vì sẽ rất khó để mỗi địa phương cũng như cả vùng ĐBSCL phát triển với các thế mạnh đã có nếu như "mạnh ai nấy làm".
"Do vậy, với sự có mặt của đại diện tất cả các địa phương trong vùng, tôi cho rằng việc các địa phương phải tìm bằng được các cơ chế hợp tác hữu hiệu và thực chất là hết sức quan trọng", Thủ tướng cho biết.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang chia sẻ, địa phương được biết đến là khu vực nằm trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với lĩnh vực nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, cùng với tài nguyên du lịch là một hệ thống giao thông thuận lợi cả về đường thủy lẫn đường bộ.
“An Giang xác định và khẳng định hai lĩnh vực nông nghiệp và du lịch vẫn là thế mạnh của địa phương”, ông Vương Bình Thạnh nhấn mạnh.
“Đối với lĩnh vực du lịch sẽ tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ phát triển du lịch, kết nối bốn khu du lịch trọng điểm Châu Đốc - Long Xuyên - Núi Cấm - Óc Eo; điều chỉnh quy hoạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thực hiện các công trình, dự án du lịch và phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận chính sách ưu đãi phát triển du lịch của địa phương, góp phần tạo nhiều sản phẩm du lịch”, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin.
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị TW cần quan tâm đến yếu tố hạ tầng trong liên kết phát triển vùng, trong đó mở rộng giao thông kết nối vùng. Trước mắt cần ưu tiên vận dụng hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) để xây dựng đường cao tốc nối Cần Thơ- Châu Đốc, mà trong quy hoạch phát triển Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đã đề ra. Con đường này sẽ thúc đẩy liên kết chuỗi đô thị Cần Thơ- Long Xuyên- Châu Đốc gắn với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở bờ tây sông Hậu, tạo sự đột phá cho công nghiệp, thương mại và du lịch phát triển", tiến sĩ Lịch nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận