Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.
Nền kinh tế vươn lên đứng thứ 4 ASEAN
Đánh giá những nỗ lực của ngành công thương tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương” sáng nay 7/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành đã thể hiện rõ quyết tâm của ngành công thương trong năm nay và đó là đóng góp to lớn cho thành tựu nền kinh tế Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 ASEAN.
Trong đó, Bộ đã 2 lần cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính giúp khơi thông nguồn lực, phát triển sản xuất kinh doanh.
Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng đạt tăng trưởng dương, duy trì việc làm cho người lao động. Ngành điện đã cung cấp đủ điện và việc đưa điện đến miền núi đạt kết quả tốt.
Bên cạnh đó, công tác phòng vệ thương mại đạt kết quả nổi bật, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất của Việt Nam khi nhiều vụ kiện quốc tế chúng ta dành thắng lợi.
Về hội nhập, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 thị trường, có FTA với 16 nền kinh tế, đặc biệt là các hiệp định của CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA… và không có nhiệm kỳ nào ký được 4 hiệp định thương mại tự do như vậy
Đáng chú ý, Thủ tướng dành lời khen ngợi cho toàn ngành công thương khi làm tốt việc đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa phòng chống dịch, tạo được niềm tin và sự an tâm của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng năm qua đã tăng 2,62% là một sự cố gắng lớn.
Toàn ngành công thương phải lo phục vụ Tết cho dân!
Dù được đánh giá là năm thành công với việc hoàn thành nhiều mục tiêu một cách toàn diện của ngành công thương, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị ngành này quan tâm khắc phục một số vấn đề:
Sản xuất công nghiệp còn yếu và thiếu ngành công nghiệp mũi nhọn. Còn nhiều ngành công nghiệp thâm dụng tài nguyên, vốn, năng lượng…
Các liên kết ngành còn manh nha, manh mún khiến cho sự cạnh tranh còn yếu khi phần lớn chúng ta chỉ cạnh trạnh được về giá chứ chưa cạnh tranh được bằng chất lượng nổi bật.
Ở nhiều địa phương, các ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống suy yếu, nhiều nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, giải quyết khó khăn trong tương lai. Nhiều công trình của các tập đoàn, tổng công ty chưa được khởi công.
Đối với thương mại, xuất khẩu tăng nhưng nhập khẩu vẫn còn cao, chất lượng chưa tốt. Doanh nghiệp trong nước còn nhập siêu nhiều, hàng hóa mới chỉ ở phân khúc thấp, giá trị gia tăng chưa cao, bình dân. Nhiều quốc sản Việt Nam chưa hiện diện trên thế giới, chưa gắn với sinh kế người dân.
Đơn cử như câu chuyện sâm ngọc linh của Việt Nam có giá trị không kém sâm Hàn Quốc, nhưng hầu như chưa được biết tới rộng rãi, chưa tạo ra sản phẩm mang tính quốc gia. Trong khi, ở Hàn Quốc xem đó là một đặc trưng nổi bật…
Thủ tướng cũng cho biết, chúng ta phải dốc toàn lực tháo gỡ vấn đề thao túng tiền tệ bởi nó ảnh hưởng rất mạnh đến xuất khẩu và uy tín của Việt Nam.
Nhắc lại mục tiêu của Chính phủ khi đề ra mức tăng trưởng GDP đạt 6,5% năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh: “Muốn vậy thì cần coi trọng những động lực chính là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư. Và đó là “cỗ xe tam mã” trong năm 2021 nhưng với quy mô lớn hơn. Do đó, Bộ Công thương phải phấn đấu mọi mặt tốt hơn năm 2020, để phát triển mạnh mẽ đất nước”.
Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ dặn dò, toàn ngành công thương phải lo phục vụ Tết cho dân không để thiếu hàng hóa nhất là vùng xa và các trung tâm lớn.
Đặc biệt, toàn ngành công thương phải lo phòng chống Covid-19 cho tốt, không để ai bị nhiễm Covid-19.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận