Các nước nghèo đang gánh chịu nhiều hậu quả từ biến đổi khí hậu |
Hôm nay (30/11), Hội nghị 21 công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu(COP 21) khai mạc tại Paris (Pháp). Hội nghị có sự tham gia của 147 lãnh đạo các nước.Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự COP 21.
790 tỷ USD/năm để ứng phó biến đổi khí hậu
Các thành phố, các trung tâm kinh tế lớn của thế giới như Thượng Hải (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), New York (Mỹ) và nhiều nơi khác sẽ nằm dưới mực nước biển, bất chấp những nỗ lực khống chế nhiệt độ đang gia tăng.
Nghiên cứu của giáo sư Ben Strauss thuộc Trung tâm nghiên cứu Khí hậu của Mỹ cho thấy: Nếu Trái Đất nóng lên 2 độ C, nước biển sẽ nhấn chìm nhiều vùng đất đang là nơi sinh sống của 280 triệu người; nếu tăng thêm 4 độ C, số người bị ảnh hưởng sẽ là 600 triệu. Theo giáo sư Ben Strauss, Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất; nếu Trái Đất tăng thêm 4 độ C, khu vực sống của 145 triệu dân ven biển sẽ bị phá huỷ.
"Chắc chắn không phải là một hiệp ước. Do đó, sẽ không có ràng buộc pháp lý về việc giảm phát thải khí như trường hợp của Nghị định thư Kyoto năm 1997”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry |
Mỹ, Trung Quốc là hai nước thải ra hơn 2/5 tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu. Và trong 10 thành phố lớn có nguy cơ bị nhấn chìm thì 4 thuộc Trung Quốc gồm: Thượng Hải, Thiên Tân, Hồng Kông và Đài Châu. Ấn Độ, Việt Nam và Bangladesh cũng sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Châu Á là nơi khoảng 75% cư dân sinh sống ở những khu vực trong tương lai sẽ bị nhấn chìm nếu biến đổi khí hậu tiếp diễn. Khoảng 34 triệu người Nhật Bản, 25 triệu người Mỹ, 20 triệu người Philippines, 19 triệu người Ai Cập và 16 triệu người Brasil sẽ phải di dời nếu nhiệt độ tăng lên 4 độ C.
Tổ chức phi chính phủ Oxfam ước tính, đến năm 2050, các nước đang phát triển sẽ phải chi khoảng 790 tỷ USD/năm ứng phó với biến đổi khí hậu. Oxfam cũng cảnh báo, thời tiết cực đoan còn gây tổng thiệt hại 1.700 tỷ USD/năm cho các nền kinh tế đang phát triển.
COP 21 diễn ra từ 30/11 - 11/12, với sự tham dự của khoảng 80 nguyên thủ quốc gia và các đại diện của 195 nước và vùng lãnh thổ, tổng số đại biểu lên tới 40.000 người. Dự kiến các nước phát triển cam kết hỗ trợ các nước nghèo 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khoản tiền này quá ít ỏi, vì theo Oxfam ước tính: Chỉ có 1-2 tỷ USD/năm được dành cho các nước nghèo nhất thích nghi với biến đổi khí hậu.
Pháp triển khai gần 11.000 cảnh sát bảo vệ COP 21
Trước thềm COP 21, LHQ cho biết: Thiên tai do biến đổi khí hậu đã cướp đi mạng sống của 606.000 người trong 20 năm qua, trung bình 30.000 người/năm và con số này tương đương với nạn nhân của các vụ khủng bố: 32.658 người năm 2014.
Hôm qua, hàng chục nghìn người trên khắp thế giới đã xuống đường biểu tình đòi phải có những biện pháp mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu. Khoảng 50 cuộc biểu tình diễn ra tại Australia, New Zealand, Philippines, Bangladesh, Nhật Bản, Anh, Mỹ. Riêng tại Pháp, nước chủ nhà COP 21 cấm biểu tình và triển khai các biện pháp an ninh cao độ, trong bối cảnh sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris làm 129 người chết và hơn 350 người bị thương hai tuần trước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cuối tuần qua tuyên bố triển khai gần 11.000 cảnh sát bảo vệ COP 21; trong đó, 8.000 cảnh sát và hiến binh tăng cường cho các trạm kiểm soát biên giới, 2.800 nhân viên an ninh triển khai tại khu vực trung tâm hội nghị ở Le Bourget, phía Bắc thủ đô Paris.
Ngoài ra, ông Jean-Louis Fiamenghi, Giám đốc công ty cấp nước sạch Veolia cho biết, công ty và lực lượng đặc nhiệm triển khai các biện pháp đặc biệt để giám sát và bảo vệ hệ thống nước sạch ở Le Bourget, nhằm ngăn chặn tất cả các âm mưu khủng bố. Trước đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cảnh báo, cần thiết lập và lắp đặt các thiết bị để đề phòng những âm mưu khủng bố bằng vũ khí sinh học, hóa học và vi trùng.
Thủ tướng đồng chủ trì Đối thoại cấp cao về ứng phó biến đổi khí hậu tại ĐBSCL Nhận lời mời của Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 21) tại Paris, Pháp từ ngày 30/11-1/12/2015. Phiên họp cấp cao dành cho các Nguyên thủ và Thủ tướng được tổ chức hôm nay, để khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ ở cấp cao nhất và định hướng cho đoàn đàm phán của mình tham gia thương lượng trong hai tuần tiếp theo nhằm đạt được Thỏa thuận Paris. Dự kiến, cùng với phát biểu tại Phiên họp cấp cao COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đồng chủ trì Đối thoại cấp cao về ứng phó biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức tại Khu trưng bày Việt Nam trong trung tâm hội nghị. Mục tiêu chính của COP 21 là thông qua một số khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020 (Thỏa thuận Paris 2015), theo đó các nước cam kết cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 2OC vào cuối thế kỷ XXI so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1990. Các nước cũng đã thể hiện cam kết quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính (INDC). Hiện đã có 150 bản INDC nộp tới Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), trong đó có Việt Nam. Sau khi dự COP 21, nhận lời mời của Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) ngày 2/12/2015. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận