Xã hội

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Dân còn sợ công an lắm!"

07/06/2018, 20:06

Thủ tướng góp ý lực lượng công an phải công khai, minh bạch, sát dân, không để người dân phải sợ công an.

thu-tuong

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận tổ Luật CAND (sửa đổi) chiều 7/6

Chiều 7/6, thảo luận tại tổ về dự án Luật CAND (sửa đổi), đa số các ĐBQH đều góp ý về các quy định đáng lưu ý trong Luật như quy định trần Thiếu tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh loại 1 hay chính quy lực lượng công an xã, tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại góp ý ở một góc độ khác.

"Dân còn sợ công an lắm"

Theo người đứng đầu Chính phủ, lực lượng công an cùng với quân đội là lực lượng trụ cột, chủ công đảm bảo an ninh xã hội. Ông bày tỏ mong muốn lực lượng công an cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn. Bởi theo đánh giá, cừa qua lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập, trách nhiệm một phần thuộc chính quyền song chính là trách nhiệm của lực lượng công an.

Vì vậy, Thủ tướng đề nghị thiết kế luật này theo hướng xây dựng lực lượng CAND đáp ứng nhiệm vụ, đảm bảo xã hội an toàn hơn. “Chúng ta rất có khuyết điểm khi đã chưa đảm bảo an toàn cho người dân từ nhiều khía cạnh từ điều tra xâm hại trẻ em, tai nạn giao thông… Đây là trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền, lực lượng công an”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng góp ý Công an chúng ta phải công khai minh bạch tốt hơn, sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng.

“Đừng để người dân sợ công an, phần lớn hiện nay người dân còn sợ công an lắm. Không có công an một ngày rất nguy cập nhưng họ cũng rất e ngại”, Thủ tướng lưu ý công an phải sửa phong cách, cách làm nhưng quan trọng nhất là luật làm sao để CAND sát dân hơn, gần dân hơn. 

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trươ

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an nêu ý kiến trong phiên thảo luận tổ chiều nay

Trách nhiệm của Giám đốc Công an tỉnh rất nặng nề

Về việc bố trí cấp hàm Thiếu tướng với Giám đốc Công an một số tỉnh/ thành phố, một số ĐBQH đề nghị bố trí làm sao để tương quan, tương thích với quân đội, song Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng chỉ tương quan ở mức độ nào đó, còn tuyệt đối rất khó, bởi dù cùng là lực lượng vũ trang nhưng mô hình tổ chức công an và quân đội khác nhau.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, ngành công an tới đây chỉ còn có cấp Cục, nhưng bên Quân đội có Bộ tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, các Tổng cục khác nữa… Nếu so sánh về tính chất, bố trí lực lượng thì lực lượng công an bố trí theo cấp hành chính là chủ yếu và bố trí theo lĩnh vực. Còn quân đội bố trí lực lượng theo hình thức tác chiến khu vực, nên hình thành các quân khu, quân đoàn.

“Chúng tôi cũng chỉ đặt vấn đề phong trần quân hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an một số tỉnh loại 1 theo tiêu chí về an ninh trật tự. Dự kiến chỉ khoảng hơn chục tỉnh/ thành chứ không phải nhiều. Việc đề xuất này cũng không làm tăng thêm số lượng cấp tướng mà Luật CAND 2014 đã quy định, tính toán là không vượt hơn và hoàn toàn tương quan” – Thượng tướng Vương nói.

Phân tích thêm về việc vì sao đặt vấn đề điều chỉnh trần quân hàm của một số Giám đốc Công an tỉnh/ thành lên Thiếu tướng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, lý do vì trách nhiệm của các Giám đốc Công an tỉnh rất nặng nề. “Xảy ra bất cứ một vấn đề gì liên quan đến an ninh trật tự trên địa bàn thì Giám đốc Công an tỉnh đó phải chịu trách nhiệm trước Bộ và Tỉnh ủy. Dù Bộ có đưa quân hỗ trợ địa phương thì vẫn toàn quyền chỉ huy thuộc về Giám đốc Công an địa phương. Vai trò, vị trí của Giám đốc Công an địa phương rất quan trọng” – ông Vương giải thích.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.