Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp |
Phiên họp đã phân tích, đánh giá kết quả sau 1,5 năm triển khai chương trình hành động của Chính phủ (tại Nghị quyết 27) thực hiện các Nghị quyết 05 của T.Ư, Nghị quyết 24 của Quốc hội về tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Cần thu hút vốn đầu tư xã hội, phát triển thị trường vốn
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đổi mới mô hình tăng trưởng là quá trình liên tục, phù hợp với xu hướng thời đại trong lúc khoa học công nghệ đang phát triển như vũ bão. “Chúng ta cứ đi mãi con đường cũ trong tổ chức sản xuất, quản lý thì chúng ta không thể phát triển được”, Thủ tướng nhấn mạnh và đánh giá, tốc độ tăng trưởng có khá hơn nhưng chưa như kỳ vọng.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Tổ trưởng Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo, việc tái cơ cấu đạt được mục tiêu đặt ra có thể giúp tăng trưởng đến 7,5%/năm hoặc cao hơn và duy trì tốc độ này đến năm 2025. Ông khuyến nghị, có thể tìm thêm động lực tăng trưởng mới ngay trong nội tại nền kinh tế như thúc đẩy 3 đầu tàu kinh tế là TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, khi mà 3 đầu tàu này tăng trưởng thêm 1% thì nền kinh tế tăng trưởng thêm 0,5%. Các ý kiến cũng cho rằng, phát triển theo kiểu cũ thì sẽ không tạo bước đột phá. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh 3 yếu tố để thúc đẩy tái cơ cấu: Cần có ý chí lãnh đạo mạnh mẽ; biến ý chí đó thành chương trình hành động và tạo sự hứng khởi cho toàn xã hội và cộng đồng DN.
Trên góc độ vĩ mô, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nhìn nhận, ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất khi tái cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần thu hút vốn đầu tư xã hội, phát triển thị trường vốn.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo nhấn mạnh: “Bây giờ chúng ta không phải đánh giá đường đi đúng hay sai vì chủ trương, đường lối phát triển đất nước đã có hết rồi. Nghị quyết cao nhất của Đảng đã nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên số một, cơ cấu gì chăng nữa thì phải bảo đảm điều này. Giờ đánh giá xem việc thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cho những năm tới, có cần điều chỉnh giải pháp gì không trên cơ sở Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước?”. Phó Thủ tướng cho rằng, Nhà nước đang làm nhiệm vụ “kép” trong phát triển kinh tế. Một mặt, phải tạo mô hình tăng trưởng mới, động lực mới nhưng mặt khác phải giải quyết các tích tụ yếu kém của rất nhiều năm trước.
Phát huy vai trò của cả Nhà nước và thị trường
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, trong bối cảnh chúng ta vừa giải quyết các bất cập, tồn tại cố hữu của nền kinh tế, vừa phải lo phát triển, với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt nhiều kết quả. Đến nay, chất lượng tăng trưởng dần đi vào chiều sâu và tăng lên; Năng suất lao động tăng; bội chi ngân sách giảm dần; nợ công trong giới hạn cho phép…
Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại các bất cập, khó khăn, thách thức như mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới; Giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều vướng mắc. “Tái cơ cấu nền kinh tế phải phát huy vai trò của Nhà nước và cả thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời lưu ý, thị trường phải có sức mạnh tự thân, có thể thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế một cách tự nhiên hơn.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, vai trò của pháp luật, thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định. Nhưng bên cạnh đó, phải làm rõ hơn vai trò định hướng, điều tiết, can thiệp của Nhà nước khi cần thiết; làm rõ hỗ trợ đầu tư chứ không chỉ hỗ trợ đầu vào trong tái cơ cấu và phát triển.
Về động lực để thực hiện tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng tái khẳng định vai trò thể chế, chính sách, pháp luật, vì “không có đòn bẩy này thì khó thành công”. Bên cạnh đó, là vai trò động lực của kinh tế tư nhân, của hội nhập kinh tế quốc tế, vai trò động lực của khoa học, công nghệ, nền tảng là giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, phải chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong tái cơ cấu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận