Sáng nay (18/7), tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung và Vùng Tây Nguyên để tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết các kiến nghị của địa phương.
Cùng dự buổi làm việc có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cùng lãnh đạo các bộ, ngành TW, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên có tiềm năng rất lớn để phát triển KT-XH, với 9 sân bay, 14 cảng biển, 9 khu kinh tế, nhiều khu công nghiệp có hạ tầng tốt, nhiều sản phẩm nông nghiệp có lợi thế so sánh, có bờ biển là sản phẩm du lịch đặc sắc… Con người miền Trung cần cù, chịu thương, chịu khó, mạnh mẽ...
Theo Thủ tướng, đầu tư phát triển sẽ khó khăn nếu không có môi trường đầu tư tốt và cách xúc tiến thu hút đầu tư mạnh mẽ, có cơ chế thông thoáng. “Biết bao nhà đầu tư trong nước đang mong chờ nếu chúng ta muốn thu hút, tạo điều kiện cho họ. Biết bao dự án đang không hoạt động nếu chúng ta không tháo gỡ”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ thấp, đã khó khăn mà làm chậm. Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên phải tháo gỡ khó khăn cho các dự án ở địa phương cũng như thu hút các dự án mới.
Thủ tướng chia sẻ thêm, Quốc hội đã trao quyền cho Thủ tướng trong việc điều chuyển vốn giữa các địa phương. Do đó, không để trì trệ xảy ra tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
"Địa phương nào không tiêu hết tiền, Chính phủ điều động, địa phương nào cần tiền để phát triển, Chính phủ mang tiền đến”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng đề nghị BộKH&ĐT vào đầu tháng 8 trình Thủ tướng việc điều chuyển vốn từ những địa phương không giải ngân được sang những nơi đang cần tiền để xử lý những công trình, dự án.
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, 6 tháng đầu năm, GRDP của vùng KTTĐ miền Trung ước giảm 3,22%, là vùng kinh tế trọng điểm duy nhất có GRDP giảm so với cùng kỳ. Ba địa phương quy mô kinh tế lớn của vùng giảm so với cùng kỳ là TP. Đà Nẵng (giảm 3,61%) tỉnh Quảng Nam (giảm 11,51%) và Khánh Hòa (giảm 12,02%).
Các tỉnh Tây Nguyên 6 tháng đầu năm tăng trưởng GRDP đạt 2,72%, đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Hồng (3,74%) và cao hơn mức tăng trưởng của hầu hết các vùng KTTĐ, không địa phương nào trong vùng có tốc độ tăng trưởng âm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận