Nỗ lực hết mình, tìm cái còn trong cái mất
Hội nghị diễn ra vào sáng 15/9 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì để khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Trụ sở Chính phủ tới các địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Đây là hội nghị thứ 2 của Thường trực Chính phủ sau cơn bão, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, cơ quan, địa phương liên quan đã rất tích cực, phối hợp chặt chẽ để cùng chuẩn bị hội nghị; các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế tại hội nghị.
Đầu hội nghị, các đại biểu dành phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng yêu cầu trình ban hành Nghị quyết trong ngày mai (16/9) để tổ chức thực hiện theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan.
Đánh giá về siêu bão Yagi, Thủ tướng chỉ ra đây là cơn bão lịch sử với các yếu tố: Cường độ rất lớn, giật đến cấp 17; tốc độ cao, sức tàn phá lớn; phạm vi rất rộng; đối tượng tác động nhiều (người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, hạ tầng kinh tế - xã hội); thời gian oanh tạc dài trên đất liền trên diện rộng...
Đến đây, Thủ tướng nhiều lần nghẹn giọng, bật khóc.
Phân tích các nguyên nhân khiến bão gây hậu quả rất lớn, Thủ tướng cho rằng bên cạnh những nguyên nhân khách quan, vẫn còn tình trạng một số người dân còn chủ quan, chưa tuân thủ nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo, khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Lãnh đạo, chỉ đạo có nơi, có lúc chưa quyết liệt; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu...
Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng chỉ ra cần bám sát tình hình, dự báo chính xác; công tác tuyên truyền, vận động phải nhanh, kịp thời, rộng rãi; chỉ đạo kịp thời, chính xác, phù hợp, hiệu quả.
Các bộ, ngành, địa phương, các cấp phải chủ động, tích cực với "3 trước, 4 tại chỗ" trong phòng chống và khắc phục hậu quả.
"Chúng ta đã nỗ lực hết mình. Chúng ta đã tìm phương án tốt nhất trong các phương án có thể, chúng ta tìm cái còn trong cái mất... Song mất mát không gì có thể bù đắp được là tính mạng và tinh thần của người dân, những gia đình có người thân thiệt mạng", Thủ tướng xúc động.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương các bộ ngành, các tỉnh thành phố đã thể hiện trách nhiệm rất cao, nỗ lực rất lớn, hành động rất quyết liệt để làm tốt nhất trong khả năng có thể; cảm ơn nhân dân đã vào cuộc với cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng quân đội, công an.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu làm tốt công tác thi đua khen thưởng với các tổ chức, cá nhân làm tốt, nhất là những người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ; phê bình và xử lý nghiêm các trường hợp chủ quan, lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ.
6 nhiệm vụ giải pháp
Chỉ rõ 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Thủ tướng yêu cầu cần tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương. Bố trí chỗ ở tạm thời cho người bị mất nhà, có nhà hư hỏng, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch cho người dân; cứu chữa người ốm đau.
Rà soát, kiểm tra, bằng mọi cách tiếp cận những nơi bị chia cắt, cô lập để hỗ trợ, tiếp tế người dân.
Tập trung cả hệ thống chính trị, các lực lượng người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Không để mất điện, mất sóng viễn thông và các dịch vụ thiết yếu. Sửa chữa ngay cơ sở y tế, giáo dục để các cháu được tới trường, người bệnh được chữa bệnh.
Nhiệm vụ tiếp theo là ổn định tình hình cho nhân dân với 8 nhóm giải pháp bao gồm kết nối giao thông thông suốt, làm tốt công tác an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các địa phương thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ cho các gia đình. Nghiên cứu miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng.
Về giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong đó khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa…
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng nghiên cứu chính sách giãn, hoãn, khoanh nợ, chính sách tín chấp, gói lãi suất 0 đồng...; Bộ Tài chính nghiên cứu giảm, giãn, hoãn thuế, phí, lệ phí.
Bộ Công thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh. Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Nhóm các giải pháp tiếp theo là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát. "Kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra là các nhóm nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hợp tác quốc tế đồng thời phát huy tinh thần tự lực, tự cường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận