Kinh tế

Thủ tướng: Phải tái cơ cấu Bộ Công thương vì quá cồng kềnh

13/07/2016, 06:54

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm...

5

Sản lượng khai thác dầu thô giảm 6,6% trong 6 tháng qua là một trong các nguyên nhân kéo chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 7,5% - Ảnh: Nguyễn Minh Phong

Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Bộ Công thương tổ chức chiều 12/7. Thủ tướng cũng nhận xét, tổ chức thị trường trong nước thời gian qua còn nhiều bất cập.

Giá dầu giảm phát sinh nhiều hệ lụy

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, chỉ số tăng tưởng ngành Khai khoáng giảm 2,2% trong 6 tháng đầu năm. Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giải thích, năm 2016 có thể coi là năm khó khăn nhất trong hàng chục năm trở lại đây khi giá dầu thấp hơn cả năm 2015. Giá dầu suy giảm, kéo dài và chưa phục hồi khiến hoạt động khai thác mỏ khó khăn.

PVN đã thực hiện nhiều giải pháp, cắt giảm tối ưu chi phí đầu tư như dừng, giãn tiến độ dự án kém hiệu quả, tối ưu chi phí hậu cần, văn phòng, cắt giảm 25% ngân sách thăm dò khai thác. 6 tháng đầu năm, PVN đã cắt giảm khoảng 300 triệu USD chi phí. “Tại thời điểm phê duyệt ngân sách năm 2015, phí khai thác 12 USD/thùng là thấp nhất trong thời gian qua. Giá thành khai thác trung bình cũng chỉ còn khoảng 25 USD/thùng”, Tổng giám đốc PVN cho biết.

Tuy nhiên, đầu năm 2016, giá dầu chỉ còn 26 USD/thùng, nhiều lô không khai thác được. Giếng khoan khai thác trong nước giảm một nửa so với năm 2015 và không có giếng mới. “Sản lượng khai thác dầu thô giảm so với năm 2015. Xu hướng suy giảm sản lượng trong nước tiếp tục trong năm 2017. Số lượng mỏ mới giảm đáng kể thời gian tới”, ông Sơn cho hay. Trước tình hình đó, PVN đã đề nghị Bộ Công thương phê duyệt việc khoan thêm các giếng.

Sản lượng khai thác dầu thô giảm 6,6% trong 6 tháng qua đã góp phần chủ yếu kéo chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 7,5%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng 9,6%.

Bên cạnh khai khoáng, các chỉ số khác cũng khá ảm đạm. Đơn cử như chỉ số tiêu thụ của ngành Chế biến chế ,tạo 5 tháng chỉ đạt 8,8% (cùng kỳ năm 2015 là 12,7%)...

Bộ máy của bộ còn quá cồng kềnh

Dù Bộ Công thương tự nhận đây là các mức tăng khả quan nếu so sánh với tăng trưởng GDP nhưng theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng trưởng công nghiệp chỉ 7,5% thấp hơn nhiều so với con số cùng kỳ năm ngoái 9,6%. “Không sản xuất sao có việc làm, sao tăng trưởng được GDP?”, Thủ tướng đặt vấn đề.

Hay như Bộ Công thương nói cải cách thể chế nhưng Thủ tướng chỉ ra rằng, nhiều văn bản, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp còn chưa theo kịp yêu cầu. “Chiến lược quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô, quy hoạch thép như thế nào? Một số quy hoạch phát sinh phức tạp như quy hoạch thủy điện, một số công trình trọng điểm chậm, phát sinh vấn đề môi trường, nhiều công trình đắp chiếu gây bức xúc cho người dân...”, Thủ tướng dẫn chứng.

6 tháng, xuất siêu 1,5 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tính chung 6 tháng ước đạt 82,24 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, các nhóm hàng nông sản và công nghiệp chế biến giữ được mức tăng lần lượt là 6% và 8,2% nhờ các mặt hàng: Cà phê, rau quả, hạt tiêu, dệt may, da giày, máy móc linh kiện, điện tử… Trong khi đó, nhập khẩu 6 tháng qua cũng giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung cán cân thương mại, 6 tháng cả nước xuất siêu 1,5 tỷ USD, bằng 1,9% kim ngạch xuất khẩu.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, ngành Công thương chưa khai thác tốt cơ hội do hội nhập mang lại. Thương vụ còn một số cán bộ chưa làm tốt nhiệm vụ chính là phục vụ, làm giàu cho đất nước.

Thủ tướng cũng nhận xét, tổ chức thị trường trong nước thời gian qua còn nhiều bất cập. Một số tập đoàn bán lẻ trong nước rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. “Đó là vấn đề chúng ta đang rất trăn trở. Chúng ta không hướng vào nền kinh tế mấy chục triệu dân này là sai lầm”, Thủ tướng thẳng thắn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, một số ngành chiến lược phát triển chưa hiệu quả, chưa tạo động lực và hỗ trợ cho tư nhân tham gia phát triển công nghiệp Quốc gia. “Việc nào thị trường làm tốt hơn thì để thị trường tự vận động, Nhà nước chỉ tập trung vào những ​việc thị trường làm không tốt như tổ chức minh bạch, chống độc quyền. ​Quan trọng là phải giữ được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu ít nhất là 10%”, Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh, doanh nghiệp Nhà nước phải nhỏ đi và hiệu quả hơn, doanh nghiệp tư nhân phải lớn mạnh hơn. Do đó, ngành Công thương phải đẩy mạnh công tác cổ phần hóa.

Theo Thủ tướng Chính phủ, bộ máy của Bộ hiện quá cồng kềnh và phải tái cơ cấu. Bộ Công thương có 30 cục, vụ và ngang vụ chưa kể các tập đoàn. Bên cạnh đó là 10 trường đại học, 22 trường cao đẳng và hàng loạt tổng công ty. “Phải cơ cấu ngay bộ máy này để phục vụ phát triển và hội nhập”, Thủ tướng chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.