Đồng bộ 5 trụ cột ATGT
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược được xây dựng với quan điểm bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và người tham gia giao thông.
Cùng đó là thực hiện đồng bộ 5 trụ cột về ATGT đường bộ gồm: quản lý nhà nước, kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông, ứng phó sau tai nạn theo hướng tiếp cận hệ thống ATGT hiện đại, giao thông đường bộ an toàn, thông suốt, hiệu quả, thân thiện môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
"Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, đặc biệt là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để đổi mới căn bản, toàn diện công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ theo định hướng phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước. Đồng thời, bảo đảm đủ nguồn lực cho công tác bảo đảm trật tự, ATGT", nội dung chiến lược nêu rõ.
Mục tiêu được xác định trong chiến lược là hàng năm giảm bền vững 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Bên cạnh đó, hoàn thiện thể chế quản lý về ATGT phù hợp, hiệu lực và hiệu quả; kết cấu hạ tầng, phương tiện an toàn, hiện đại, người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, hình thành văn hóa giao thông an toàn; có hệ thống cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả đối với nạn nhân TNGT.
Nhiều mục tiêu lớn cho 10 năm tới
Giai đoạn 2021 - 2030, chiến lược xác định tập trung xóa bỏ kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; 100% các tuyến đường xây dựng mới, nâng cấp cải tạo, đang khai thác được thẩm tra, thẩm định ATGT. Bên cạnh đó, 100% các tuyến quốc lộ, đường tỉnh (từ cấp III trở lên) xây dựng mới và 75% chiều dài mạng quốc lộ đang khai thác đạt mức độ an toàn giao thông từ 3 sao trở lên theo tiêu chuẩn của chương trình đánh giá ATGT đường bộ toàn cầu.
Cũng liên quan đến giải pháp hạ tầng, chiến lược xác định huy động nguồn lực đầu tư, xây dựng các trạm dừng nghỉ dọc các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, đảm bảo người lái xe không quá 4 giờ theo quy định. 100% các tuyến cao tốc, đoạn tuyến quốc lộ huyết mạch lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh (có công năng phát hiện các hành vi vi phạm, thu phí điện tử không dừng, biển báo hiệu đường bộ điện tử linh hoạt); hình thành các trung tâm tích hợp quản lý, điều hành giao thông đô thị thông minh tại các thành phố.
Giảm ùn tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các đầu mối giao thông chính, tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông.
Liên quan đến phương tiện, chiến lược đưa ra mục tiêu loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh không được tham gia giao thông; kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng. 100% chủ xe ô tô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ và nộp phạt vi phạm.
100% người tham gia giao thông được giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về trật tự ATGT và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Hệ thống đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe đạt tiêu chuẩn tương đương với các nước phát triển trên thế giới.
Về cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tại nạn giao thông, 100% các tuyến cao tốc, quốc lộ được có hệ thống các trạm cấp cứu, hoặc trong vùng phục vụ của cơ sở y tế có khả năng cấp cứu nạn nhân TNGT. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trung tâm cấp cứu y tế 115, đảm bảo khả năng tiếp cận nạn nhân TNGT trong thời gian nhanh nhất.
Giai đoạn 2031 - 2045, chiến lược xác định hàng năm kéo giảm TNGT đường bộ cả ba tiêu chí về số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương, hướng đến mục tiêu sẽ không có người chết do TNGT đường bộ. Hệ thống quản lý nhà nước về ATGT được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả, ổn định, bền vững từ trung ương đến địa phương; năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, ATGT tương đương các nước phát triển.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận