Đặc biệt lưu ý về bảo đảm an ninh năng lượng
Sáng 2/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2024, thảo luận về nhiều nội dung quan trọng.
Cùng dự phiên họp có các phó thủ tướng, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và đồng chí Đinh Văn Ân, Trợ lý Tổng Bí thư.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công, những trọng tâm chỉ đạo trong tháng 3 và thời gian tới.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, mặc dù kết quả đạt được trên một số lĩnh vực không cao do là tháng Tết; Tính chung 2 tháng hầu hết các lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: "Về chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ngày càng có kinh nghiệm hơn, quyết liệt hơn, vững vàng hơn, linh hoạt hơn, trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn".
Khái quát những kết quả đạt được mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đã tạo được đà, động lực mới, khí thế mới, cảm hứng mới, sự cộng hưởng mới để tiếp tục thúc đẩy công việc trong tháng 3 và những tháng tiếp theo.
Song, Thủ tướng nêu rõ, nước ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn thách thức. Tình hình sản xuất kinh doanh trong một số doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính liên quan tới nguồn vốn.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp một số lĩnh vực, một số nơi phục hồi chậm; Một số ngành dịch vụ, nhất là ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét.
Khó khăn, vướng mắc trên thị trường bất động sản từng bước được xử lý nhưng còn chậm. Nợ xấu có xu hướng tăng. Mặt bằng lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng còn cao. Vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 còn 33,5 nghìn tỷ chưa phân bổ.
Dự báo thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội gia tăng; Khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi với giá dầu thô, lương thực biến động mạnh; Một số chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Ở trong nước, Thủ tướng yêu cầu phải đặc biệt lưu ý việc bảo đảm an ninh năng lượng, cung ứng đủ điện, xăng dầu…
Rà soát tình hình cung ứng điện hằng tháng
Chỉ rõ một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà trước hết là về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm lưu thông tiền tệ tốt hơn, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế.
Ông yêu cầu cần tiếp tục có biện pháp giảm lãi suất cho vay và Ngân hàng Nhà nước sớm trình sửa đổi Nghị định của Chính phủ về quản lý thị trường vàng.
Phấn đấu quyết liệt tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu phải tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu.
"Dứt khoát trong tháng 3 này, nếu các cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử thì thu giấy phép", Thủ tướng yêu cầu.
Đối với nguồn cung điện, xăng, Thủ tướng nhấn mạnh kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh và tiêu dùng; lưu ý tập trung triển khai các công trình truyền tải điện, phát điện. Phải rà soát việc này hằng tháng.
Thứ hai, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Về đầu tư, tạo thuận lợi thu hút, giải ngân đầu tư xã hội; Quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; Tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI.
Về xuất khẩu, củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới; Thực hiện hiệu quả các FTA; Thúc đẩy Trung Quốc sớm dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam.
Về tiêu dùng, đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; Có giải pháp mạnh mẽ thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia; Đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch.
Phấn đấu tỉ lệ giải ngân cả năm 2024 tối thiểu đạt 95%; Phân bổ sớm 33,5 nghìn tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024. Triển khai quyết liệt hơn nữa các chương trình mục tiêu quốc gia. Khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch còn lại và 5 quy hoạch vùng.
Yêu cầu, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo: "Khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp bất thường thứ 5 của Quốc hội; Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7. Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tập trung triển khai thực hiện Đề án 06".
Bên cạnh đó, ông chỉ đạo chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền về chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa; Chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận