Tăng trưởng phải bền vững, không chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần
Hội nghị đầu tiên giữa Chính phủ và các địa phương sau kiện toàn diễn ra sáng nay 21/2, ngay sau khi kỳ họp bất thường thứ 9 của Quốc hội bế mạc, bàn về thực hiện kết luận của Trung ương, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tăng trưởng GDP là yếu tố quan trọng nhất với việc thực hiện 2 mục tiêu nói trên, tăng trưởng GDP sẽ tác động tới quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, xếp hạng quy mô GDP trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: VGP).
"Không còn cách nào khác, chúng ta phải duy trì tăng trưởng cao, bền vững liên tục trong thời gian từ nay tới 2045, chỉ có như vậy mới vượt qua bẫy thu nhập trung bình và vươn lên, đạt được các mục tiêu chiến lược, thực hiện khát vọng trong kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no và hạnh phúc", Thủ tướng nhấn mạnh.
Vừa qua, Chính phủ đề xuất Trung ương, Quốc hội phấn đấu đạt tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên và tăng trưởng 2 con số trong những năm tới. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 ngày 24/1, Quốc hội thông qua Nghị quyết ngày 19/2 và Chính phủ đã giao chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 cho các địa phương, bộ ngành.
Tại kỳ họp bất thường thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ USD.
"Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ có bàn làm, không bàn lùi. Vấn đề là làm thế nào?", Thủ tướng đặt vấn đề và cho biết, kinh nghiệm quốc tế và công bố mới đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy hơn 30 năm qua, chỉ có 34 nền kinh tế đã thành công trong thoát bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia có mức thu nhập cao, còn 108 quốc gia chưa vượt qua được.
Ông nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước.
"Muốn cả nước tăng trưởng trên 8% thì tất cả các bộ ngành, địa phương, các lĩnh vực phải tăng trưởng trên 8%, doanh nghiệp trong và ngoài nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… đều phải tăng trưởng trên 8%, không thể chỉ có một vài địa phương, một vài bộ ngành, một vài doanh nghiệp tăng trưởng cao rồi kéo cả nước lên, điều này là rất khó", Thủ tướng nêu rõ.

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: VGP).
Thủ tướng lưu ý, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững, vẫn phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sáng xanh sạch đẹp, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Theo Thủ tướng, muốn tăng trưởng được thì phải làm mới các động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức…, khai thác các không gian phát triển mới như không gian biển, không gian ngầm, không gian vũ trụ. Muốn vậy phải có nguồn lực về con người, vốn, công nghệ, thể chế…
Thủ tướng đề nghị các đại biểu suy nghĩ, tập trung thảo luận, phân tích thêm hoàn cảnh thế giới, khu vực và đất nước, góp ý, hiến kế, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp mang tính "đòn bẩy - điểm tựa" để làm có trọng tâm, trọng điểm và mang lại hiệu quả tốt; coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán là những yếu tố quyết định thành công.
Đề nghị Hải Phòng phấn đấu đóng góp 15.000 tỷ làm tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng báo cáo thành phố đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ông nêu ví dụ về nỗ lực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhờ đó giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 70%, tương đương với tiến độ của các năm trước.

Các đại biểu nghe lãnh đạo Thành phố Hải Phòng phát biểu (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Ngoài ra, trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, thành phố Hải Phòng đã nỗ lực giải quyết các công việc một cách trôi chảy, đảm bảo không xảy ra ách tắc, đặc biệt trong công tác sắp xếp và tinh gọn bộ máy hành chính, qua đó, hiệu quả quản lý, điều hành của thành phố tiếp tục được nâng cao.
Về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2026 - 2030, tốc độ tăng trưởng của thành phố Hải Phòng dự kiến là 14%/năm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, thành phố đang xây dựng kế hoạch phát triển với mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân đạt 15,6% trong giai đoạn 2026 - 2030.
Trong kiến nghị để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, thành phố Hải Phòng cho biết thành phố cam kết đóng góp 11.000 tỷ đồng để triển khai dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Trong đó, 6.000 tỷ đồng sẽ được sử dụng cho công tác giải phóng mặt bằng và hơn 5.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đoạn nhánh kết nối trực tiếp với cảng biển.
Do đó, thành phố kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét phương án thi công đồng thời từ cả hai đầu tuyến, tức là từ Lào Cai và từ Hải Phòng để rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa dự án vào vận hành.
Về hệ thống cảng biển quốc tế Tân Vũ - Lạch Huyện, hiện nay thành phố Hải Phòng có hai bến cảng đang hoạt động ổn định. Dự kiến đến tháng 3 năm nay, thành phố sẽ khánh thành thêm bốn bến cảng lớn với tổng mức đầu tư lên đến 16.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phát triển các bến tiếp theo, cụ thể là bến số 7 và bến số 8. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương chuẩn bị để khởi công dự án này trong thời gian sớm nhất.
Do đó, để đảm bảo kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng biển và hạ tầng giao thông, thành phố Hải Phòng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, sớm nghiên cứu và phê duyệt từ bến 9 đến bến 12.
"Điều này sẽ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, tối ưu hóa chi phí logistics và thúc đẩy sự phát triển của Hải Phòng", Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết.
Sau khi nghe phát biểu của lãnh đạo TP Hải Phòng, Thủ tướng hoan nghênh Hải Phòng góp gần 11.000 tỷ đồng cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đề nghị nếu phấn đấu tăng lên 15.000 tỷ đồng thì tốt hơn nữa.
Quảng Ninh đề nghị có chính sách đặc biệt với Nhà máy ô tô Thành Công
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn cho biết: Trước khi Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng là 12,05%. Sau khi Chính phủ chính thức giao chỉ tiêu tăng trưởng cho Quảng Ninh là 12%, Quảng Ninh chia sẻ cùng cả nước với tinh thần trách nhiệm và xét tiềm năng, lợi thế của mình, tỉnh Quảng Ninh quyết tâm xây dựng chỉ tiêu tăng trưởng, phấn đấu vượt hơn 14%.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng lớn, tỉnh Quảng Ninh đưa ra nhiều đề xuất, đáng chú ý là mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận chủ trương triển khai Khu du lịch phức hợp cao cấp của Khu Kinh tế Vân Đồn, đây là dự án đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Đối với dự án này nếu được tháo gỡ trong thời gian sớm nhất sẽ đóng góp vào tăng trưởng cho năm 2025 và những năm tiếp theo.
Tếp đó là đề xuất liên quan đến Nhà máy ô tô Thành Công. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Đức Ấn, đây là nhà máy hứa hẹn tạo ra "cú hích" tăng trưởng lớn cho kinh tế của Quảng Ninh, vì vậy cần có những chính sách đặc biệt đối với Nhà máy ô tô Thành Công, đặc biệt là những liên quan đến chính sách thuế, tương tự như ở trong Khu Kinh tế.
Ngoài ra là một số đề xuất về bổ sung quy hoạch điện gió trong Quy hoạch điện VIII và gia hạn 7 dự án trong ngành than.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận