Sáng nay (27/9), tại Tiền Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát, kiểm tra việc thi công, triển khai dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, dự án có ý nghĩa quan trọng đối với 20 triệu dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Đây là một trong những trục đường trọng tâm của quốc gia nối TPHCM với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Sau khi hoàn thành, tuyến đường cao tốc này sẽ tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội khu vực ĐBSCL.
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo Bộ: GTVT, KH&ĐT, VPCP và các cơ quan liên quan.
Thủ tướng đã thị sát một số điểm của dự án, gồm điểm đầu của dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối đường cao tốc TPHCM-Trung Lương), điểm giữa của đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Km 76+500, công trường thi công cầu Phú Nhuận.
Tại công trường, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đảm bảo tiến độ dự án, thông tuyến vào cuối năm 2020 và khánh thành thông xe vào dịp 30/4/2021.
Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, doanh nghiệp thực hiện dự án đã trực tiếp báo cáo với Thủ tướng về những khó khăn của dự án hiện nay đang gặp phải.
Theo đó, nhà đầu tư đã huy động khoảng 2.500 tỷ đồng để đầu tư vào dự án gồm GPMB, phát quang, đắp nền. Đến nay khối lượng thi công hoàn thành đạt 27%. Tuy nhiên đến nay các nhà thầu gần như đã hết tiền để thi công.
Khó khăn nhất hiện nay là nguồn vốn, cả vốn ngân sách hỗ trợ và vốn tín dụng vay ngân hàng. Chính phủ đã đồng ý cấp 2.186 tỷ đồng cho dự án nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân được vì còn quá nhiều thủ tục. Trong khi đó các ngân hàng cung cấp tín dụng lại đưa ra thêm nhiều điều kiện trong việc cho vay khiến nguồn vốn bị tắc.
“Chúng tôi kiến nghị Thủ tướng tiếp tục quan tâm chỉ đạo để thúc đẩy các thủ tục sớm giải ngân từ các bộ, ngành liên quan để giải ngân nguồn vốn 2.186 tỷ đồng trong tháng 10/2919. Khi có vốn, các nhà thầu sẽ huy động mọi nguồn lực, tập trung đẩy nhanh tiến độ để kịp thông tuyến vào cuối năm 2020 như cam kết”, ông Hồng nói.
Ngay tại công trường, Thủ tướng đã trao cho các bộ, cơ quan liên quan các văn bản về việc đồng ý bố trí 2.186 tỷ đồng vốn đầu tư từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2018 cho dự án đường bộ cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và đồng ý bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 cho dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư, các nhà thầu phải tập trung tối đa nguồn lực, huy động nhân công, thiết bị vào công trường để thi công.
“Tất cả các điều kiện mà các đồng chí đề nghị, chúng tôi giải quyết hết 100%”, Thủ tướng nêu rõ, và nhấn mạnh nhà thầu nào bàn lùi thì cho nghỉ, không tham gia. Thi công kịp tiến độ và phải bảo đảm chất lượng, không phải vì tiến độ mà giảm chất lượng đối với công trình. Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm khởi công cầu Mỹ Thuận 2, tuyến Mỹ Thuận-Cần Thơ.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường cao tốc TP HCM - Trung Lương), điểm cuối giao với Quốc lộ 30 tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Tổng mức đầu tư đã điều chỉnh là 12.668 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn BOT là 10.482 tỉ đồng và nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ dự án là 2.186 tỉ đồng. Đến nay công tác GPMB đã cơ bản hoàn thiện, chỉ còn vướng một vài diện tích nhỏ. Đây là tuyến đường quan trọng để giải tỏa cho tuyến QL1 về miền Tây hiện đang quá tải.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận