Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Chiều 8/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2019. Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành tư pháp là nhạc trưởng, là cơ quan gác cửa trong việc bảo đảm tính thống nhất, tính hợp pháp, tính hợp lý và khả thi của hệ thống pháp luật và là người gác gôn của Chính phủ trước các vấn đề pháp lý quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong thành tích chung của đất nước có sự đóng góp của ngành Tư pháp. Điển hình như trong công tác tham mưu về công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, ngành Tư pháp đã làm tốt công tác gác cửa trong thẩm định văn bản và gác gôn trong các tranh chấp quốc tế.
Trong công tác thi hành án dân sự cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, thụ lý thi hành án đạt và vượt chỉ tiêu. Ngành cũng đã hoàn thành 600.000 việc với 35.000 tỷ đồng.
"Tôi rất mừng khi nghe Bộ trưởng nói đồng chí Tổng cục trưởng thi hành án mới này vững vàng, ngay ngắn. Tôi nói ý này là để nhắc các cục trưởng thi hành án địa phương có vững vàng, ngay ngắn không? Tôi theo dõi nhiều năm thì năm nào cũng có mấy ông ở tù vì đây là lĩnh vực dễ lạm dụng quyền lực, dễ áp dụng pháp luật sai”, Thủ tướng lưu ý.
Đề cập đến một số tồn tại, hạn chế của ngành tư pháp, Thủ tướng cho rằng công tác xây dựng thể chế, pháp luật còn nhiều bất cập, có văn bản mới ban hành phải sửa đổi bổ sung, còn tình trạng xin rút, xin lùi. “Đây là một khuyết điểm trong hệ thông cần rút kinh nghiệm không chỉ Bộ Tư pháp. Trước QH hay nói đây là tình trạng ‘bắt nước chờ gạo’, nước sôi sùng sục mà gạo chưa tới”, Thủ tướng nói.
Ông cũng nhắc đến hàng loạt sai phạm trong quản lý nhà nước như vụ MobiFone mua AVG, vụ Thủ Thiêm hay những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai ở Đà Nẵng, Khánh Hoà…
“Điều này nói lên cái gì? Cán bộ pháp chế, tư pháp suy nghĩ gì?”, Thủ tướng nhấn mạnh. Với vai trò là “người gác gôn” về pháp luật thì “các đồng chí đã làm hết trách nhiệm trong tham mưu cho lãnh đạo chưa hay góp ý rồi mà lãnh đạo không nghe”. Có vấn đề gì trong cơ chế tham mưu của cán bộ tư pháp với lãnh đạo?" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh cán bộ tư pháp cần làm hết chức trách, nhiệm vụ trong việc can gián này thì sai phạm ít xảy ra.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra hiện tượng nhờn luật khá phổ biến ở một số lĩnh vực, nhất là Luật Giao thông đường bộ. Đây là vấn đề gây bức xúc xã hội. Vậy ngành tư pháp có giải pháp đột phá nào để đề xuất với Chính phủ hay tự mình đưa ra biện pháp tăng cường thực thi pháp luật.
Nhắc đến nhiệm vụ trong năm 2019, Thủ tướng cho rằng ngành Tư pháp cần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, xứng đáng là nhạc trưởng, gác cửa thẩm định tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của các quy định.
Cùng với đó là cải cách tư pháp, xây dựng luật đồng bộ giữa kinh tế với cải cách tư pháp và các lĩnh vực khác. “Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý xem xét xử lý các văn bản trái luật và đưa ra khỏi hệ thống. “Có tình hình ai cũng thấy khó chịu luật pháp tràn lan ban hành nhiều. Tôi đi họp Quốc hội, có ĐB người dân tộc nói ‘luật nhiều hơn lông bò quê tôi” - Thủ tướng dẫn chứng.
Nhấn mạnh ngành tư pháp là lĩnh vực liên quan đến quyền lợi của người dân rất lớn, Thủ tướng đề nghị, các dự án luật nhạy cảm, liên quan đến người dân phải tuyên truyền, giải thích rõ, sai là phải rút ngay.
Theo Thủ tướng, muốn thực hiện những việc này, ngành tư pháp phải coi trọng công tác xây dựng đảng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực phẩm chất của đội ngũ cán bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận