Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk từ chức |
Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố, hôm nay (12/4) sẽ đệ đơn xin từ chức lên Quốc hội sau 2 tháng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Tuy nhiên, gần như chắc chắn, quyết định của Thủ tướng Ukraine sẽ không làm thay đổi nhiều chính sách của quốc gia này.
“Con cưng” của phương Tây
Ông Yatsenyuk, 41 tuổi, lên Thủ tướng hồi tháng 2/2014 sau cuộc biểu tình lật đổ Chính phủ cũ. Giải thích cho quyết định từ chức bất ngờ, ông Yatsenyuk cho biết, đây là động thái cần thiết để tránh cho đất nước rơi vào bất ổn hơn nữa, nhất là khi Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh. “Tôi đã quyết định từ chức Thủ tướng và sẽ trình lên Quốc hội để được thông qua. Có nhiều lý do khiến tôi đưa ra quyết định này.
Cuộc khủng hoảng chính trị mà đất nước đang phải đối mặt thực tế là một cuộc khủng hoảng ảo. Mong muốn thay thế một người đã khiến các chính trị gia mờ mắt và làm tê liệt ý chí chính trị nhằm đấu tranh cho một sự thay đổi thực chất. Chúng ta không thể để tình trạng bất ổn hiện hữu ở Ukraine, nhất là khi đất nước đang có chiến tranh. Sau khi tôi từ chức, một Chính phủ mới sẽ được thành lập”, ông Yatsenyuk nói.
Được bổ nhiệm hồi tháng 2/2014 trong bối cảnh Ukraine đang thực hiện chính sách liên kết với Liên minh châu Âu sau nhiều năm gắn bó với nước Nga, ông Yatsenyuk từng được xem là “con cưng” của phương Tây, với những tư tưởng hướng Tây rất rõ ràng. Thời gian đầu, ông được đánh giá cao nhờ những cam kết cải cách mạnh mẽ giúp Ukraine nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế, cũng như cuộc chiến chống tham nhũng và những chính sách hướng Tây mạnh mẽ.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, ông Yatsenyuk vấp phải những chỉ trích ngày càng tăng ở trong nước. Những chỉ trích này cho rằng, ông không đủ năng lực thực hiện các cam kết, khiến đất nước lâm vào tình cảnh kinh tế - tài chính vô cùng khó khăn.
Hôm nay (12/4), Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua đơn từ chức và Tổng thống Petro Poroshenko cũng đã chỉ định Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Groïssman làm người kế nhiệm.
“Thủ tướng thất bại”
Theo các nhà phân tích, quyết định từ chức của ông Yatsenyuk sẽ chỉ tạm thời giúp ổn định tình hình kinh tế, chính trị; Còn về lâu dài, những bất ổn chính trị sẽ chưa thể chấm dứt. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, bước đi của ông Yatsenyuk đã cho thấy cuộc tranh giành quyền lực gay gắt trên chính trường Ukraine.
Giám đốc Trung tâm phân tích chính sách Ukraine, Ruslan Bortnik nhận định: “Vấn đề chính của xung đột là uy tín và tham nhũng. Vụ từ chức không giải quyết điều này. Nó chỉ làm sự việc tạm lắng xuống một thời gian. Ông Yatsenyuk đưa ra quyết định từ chức vì có lẽ đã thu xếp được các điều kiện có lợi cho phe phái của ông sau khi từ chức: Đảng Mặt trận Nhân dân sẽ giữ lại đại diện của mình trong Chính phủ mới và có thể mở rộng nó”. Theo ông Bortnik thỏa thuận này đã đạt được với các đối tác phương Tây.
Trên thực tế, Tổng thống Poroshenko từ lâu đã muốn phế truất ông Yatsenyuk và thành lập một Chính phủ mới, nhằm chấm dứt sự hỗn loạn trong giới cầm quyền, vốn phá hỏng những nỗ lực hỗ trợ kinh tế từ phương Tây. Đối với ông Poroshenko, việc ông Yatsenyuk vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 2/2016 là một sự việc ngoài ý muốn và sự ở lại của ông này đã khiến cho liên minh cầm quyền bị suy yếu. Sau khi ông Yatsenyuk tuyên bố từ chức, Tổng thống Poroshenko bác bỏ việc giải tán quốc hội. Ông còn tuyên bố vẫn muốn tiếp tục làm việc với quốc hội hiện tại và nhấn mạnh ông tôn trọng quốc hội hiện tại đồng thời không muốn xung đột với cả quốc hội lẫn Chính phủ.
Dù với bất kỳ lý do gì, một điều chắc chắn là quyết định của ông Yatsenyuk sẽ không làm thay đổi nhiều chính sách của Ukraine. Một Chính phủ hoàn toàn mới được thành lập sau đó cũng sẽ không từ bỏ chính sách hướng Tây. Điều này đã thấy ngay được khi mà Tổng thống Poroshenko tuyên bố, bất chấp kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Hà Lan vừa qua, Hiệp định Liên kết EU-Ukraine vẫn tiếp tục được thực thi và con đường hội nhập châu Âu của Kiev không thay đổi. Theo kết quả trưng cầu ý dân tại Hà Lan trước đó, đa số cử tri nước này bỏ phiếu phản đối việc phê chuẩn Hiệp định Liên kết EU-Ukraine.
Việc từ chức của ông Yatsenyuk cũng khiến quốc gia láng giềng - Nga quan tâm. Người đứng đầu Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Hội đồng Liên bang - Konstantin Kosachev nói rằng: Từ chức là kết quả của sự bất lực của Chính phủ và từ lâu Nga đã nhận ra tài trợ của Kiev chính là phương Tây. Điều đó, khiến ông Yatsenyuk chỉ là một con rối, một vật tế thần.
Còn ông Pushkov - Chủ tịch Ủy ban Duma về các vấn đề quốc tế cho rằng: Đó là một Thủ tướng thất bại và ông Yatsenyuk sẽ được nhớ đến bởi những chính sách vô nghĩa trong việc xây dựng hàng rào biên giới, ngăn cách Nga và Ukraine, vốn tiêu tốn một khoản ngân sách đáng kể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận