Vụ Formosa cho thấy nhiều cán bộ vô trách nhiệm (ảnh minh họa) |
Con số đáng báo động từ báo cáo của Bộ trưởng TN&MT
Sáng 24/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành về vấn đề bảo vệ môi trường.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cung cấp nhiều con số khiến người nghe không khỏi giật mình. Theo đó, trên toàn quốc hiện có 283 KCN xả hơn 550 nghìn m3 nước thải/ngày đêm; 615 cụm công nghiệp, trong đó chỉ khoảng hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải tập trung; các cụm công nghiệp còn lại, hoặc các cơ sở sản xuất tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Cùng đó, có hơn 500 nghìn cơ sở sản xuất, trong đó có nhiều loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất lạc hậu; hơn 13.500 cơ sở y tế hàng ngày phát sinh hơn 47 tấn chất thải nguy hại và 125 nghìn m3 nước thải y tế; 787 đô thị với 3 triệu m3 nước thải ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý; lưu hành gần 43 triệu mô tô và trên 2 triệu ô tô tạo ra nguồn phát thải lớn đến môi trường không khí.
Hàng năm, có 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng, trong đó, khoảng 80% lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng không đúng quy định. Ngoài ra, có hơn 23 triệu tấn rác thải sinh hoạt, 7 triệu tấn chất thải rắn công nghiệp, hơn 630 nghìn tấn chất thải nguy hại; hiện có 458 bãi chôn lấp rác thải, trong đó có 337 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; có hơn 100 lò đốt rác sinh hoạt công suất nhỏ, có nguy cơ phát sinh khí dioxin, furan...
Để xảy ra thực trạng trên, ông Hà cho rằng có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Ngoài ra, thời gian qua, nhiều dự án FDI đã gây nên tác hại rất lớn đối với môi trường Việt Nam. Một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng những hạn chế của Việt Nam về các quy chuẩn kỹ thuật để "tuồn" những công nghệ lạc hậu, thâm dụng tài nguyên, thâm dụng năng lượng vào lao động nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
Sự cố Formosa là hồi chuông cảnh báo
Phát biểu ý kiến, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, sự cố Formosa hủy hoại môi trường biển miền Trung chính là hồi chuông cảnh báo, là tối hậu thư để đánh giá lại toàn bộ vấn đề môi trường của đất nước.
Đề cập đến nguyên nhân, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh vấn đề về lỗ hổng pháp luật, từ đó cần thẳng thắn nhìn nhận, rút ra bài học sau vụ Formosa. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu chưa phát huy hết từ bộ, ngành đến địa phương cũng góp phần dẫn đến hậu quả như vừa qua. Sự vào cuộc của hệ thống pháp luật cũng chưa mạnh, xử lý chưa thực sự nghiêm minh, chưa đủ sức răn đe, trong khi ý thức chấp hành pháp luật và sự quan tâm đến môi trường của nhà đầu tư còn kém.
Vụ Formosa cho thấy nhiều cán bộ vô trách nhiệm Đề cập đến vụ việc Formosa gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc phê bình: “Vụ Formosa là một điển hình cho thấy nhiều cán bộ quản lý môi trường vô trách nhiệm. C49 (Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường) chưa tập trung cho công việc phòng chống, đấu tranh với các hành vi vi phạm. Thanh tra Chính phủ và thanh tra các cấp chưa chú trọng thanh tra các vấn đề về môi trường. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương mới chỉ tập trung phát triển kinh tế mà coi thường, bỏ rơi vấn đề môi trường. Các cơ quan phát hiện, xử lý vấn đề chậm, chủ yếu trông vào người dân, báo chí. Vụ Formosa nghiêm trọng vậy mà tất cả đều im lặng đến khi báo chí đăng tải, phản ánh mãi mới biết. Cả hệ thống kiểm soát như vậy ở đâu?”. |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, thời gian qua, ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường đã gây bức xúc trong xã hội và tạo ra nhiều điểm nóng xã hội. Theo Thủ tướng, tình trạng này diễn ra trên diện rộng chứ không phải chỉ một lĩnh vực nào. Nhiều vụ khiếu kiện đông người về môi trường đã diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường bùng phát là do tích tụ từ lâu trong quá trình phát triển.
“Thực trạng trên làm chúng ta phải thay đổi tư duy phát triển, tăng trưởng kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Kiên quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi môi trường, cuộc sống bình yên của người dân. Bây giờ anh nói đủ thứ việc, nhưng anh cấp phép thì trách nhiệm anh đến đâu? Đặc biệt là hệ thống các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TN&MT, trách nhiệm thế nào, người đứng đầu cơ quan nào chịu trách nhiệm đến đâu cũng cần rõ hơn chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, cứ nói qua nói lại”, Thủ tướng lưu ý.
Từ sự cố Formosa, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm chủ tịch các cấp và Bộ trưởng phải chịu trách cụ thể về vấn đề môi trường trong địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách. Ở đâu xảy ra ô nhiễm môi trường, chủ tịch UBND ở đó chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ, đồng thời làm rõ ai cấp phép, ai buông lỏng quản lý; yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan phê duyệt về vấn đề môi trường và cơ quan quản lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận