Càng trong khó khăn càng phải phối hợp chặt chẽ
Chiều 3/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các dự án hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.
Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Bình Dương.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Dương bám sát, nắm chắc tình hình để tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhấn mạnh trong lúc này, phải ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, "doanh nghiệp phát triển thì tỉnh mới phát triển được", Thủ tướng yêu cầu tỉnh rà soát, trao đổi, làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp có liên quan tới bất động sản, phát hành trái phiếu, khó khăn tiếp cận vốn… để cùng các doanh nghiệp đánh giá tình hình, phân loại và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tái cơ cấu lại doanh nghiệp.
Thủ tướng lưu ý, kinh tế thị trường phải tuân thủ quy luật cạnh tranh, quy luật cung cầu nhưng có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết, lúc tình hình không bình thường, đó là định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Phải xem công việc của doanh nghiệp như việc của mình, xem khó khăn của họ như việc của mình, xem thành công của họ như thành quả của chính mình. Càng trong khó khăn càng phải phối hợp chặt chẽ, mỗi người, mỗi bên cùng cố gắng, chia sẻ, thậm chí hy sinh trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân", Thủ tướng nói.
Quy hoạch "đất vàng" dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm
Thủ tướng đề nghị Bình Dương quan tâm làm tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược. Hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch trong tháng 6/2023 theo hướng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm.
Thủ tướng lưu ý những vị trí "đất vàng" phải quy hoạch dành cho sản xuất, kinh doanh để tạo công ăn việc làm, từ đó thu hút người đến làm, người đến ở, phát triển đồng bộ các loại hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục…, như vậy mới có thể phát triển bền vững các dự án đô thị, bất động sản…
Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt, chủ trương, chính sách phù hợp, tỉnh cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài trên tinh thần "cùng thắng", hợp tác bền vững.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bình Dương coi trọng phát triển nguồn nhân lực, đầu tư cho văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mặc dù đây cũng là sức ép lớn với tỉnh.
Cùng với đó, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP
Mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công
Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phân tích kỹ hơn các nguyên nhân khiến giải ngân đầu tư công của Bình Dương vẫn chậm, đặc biệt là do khâu chuẩn bị đầu tư không tốt.
Riêng với tuyến đường vành đai 4 đoạn qua Bình Dương, Thủ tướng đề nghị tỉnh nghiên cứu, học tập của các địa phương khác như Quảng Ninh, theo đó tỉnh đầu tư một phần, nhà đầu tư PPP đầu tư phần còn lại nhưng khai thác cả đoạn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
"Hôm nay kiểm tra dự án Bệnh viện đa khoa Bình Dương và hôm trước kiểm tra các dự án Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai ở Hà Nam thì thấy một nguyên nhân chung là chuẩn bị đầu tư không tốt", Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, nếu đầu tư dàn trải sẽ dẫn tới kéo dài dự án, đội vốn, gây lãng phí, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) thấp…
Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Dương triển khai nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án. Nhất là công tác giải phóng mặt bằng, phải huy động cả hệ thống chính trị cho công tác này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngay sau cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh) đã ở lại trao đổi với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh về triển khai các tuyến đường giao thông trọng điểm - Ảnh: VGP
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công. Phân công cụ thể từng lãnh đạo chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể để có biện pháp xử lý ngay các vướng mắc. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh mở chiến dịch thúc đẩy giải ngân đầu tư công tới ngày 31/01/2023.
"Kiên quyết không để tình trạng dự án được giao vốn nhưng không giải ngân được hoặc giải ngân không hết vốn được giao, trong khi nhiều dự án có khả năng giải ngân tốt nhưng không bố trí đủ vốn", người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.
Về các đề xuất, kiến nghị của Bình Dương, Thủ tướng cơ bản đồng tình với ý kiến của các bộ, ngành. Cho ý kiến đối với từng kiến nghị cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bình Dương để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Thủ tướng nêu rõ, phải chung tay để tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển, "không vướng mắc nào là không thể xử lý với tinh thần làm việc thực chất, hiệu quả, nói đi đôi với làm, cầu thị lắng nghe, không ngần ngại, câu nệ gì cả, miễn là mang lại lợi ích cho đất nước, cho nhân dân".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận