Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Hà Nội làm quyết liệt những vấn đề còn tồn tại |
Rốt ráo thực hiện 4 nhiệm vụ
Sáng 26/9, bắt đầu buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với UBND TP Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã truyền đạt lại ý kiến của người đứng đầu Chính phủ: “Sáng nay, trước khi Tổ công tác xuống làm việc với Hà Nội, Thủ tướng có nói với tôi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về bốn nội dung, đề nghị Hà Nội làm rõ, rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt bốn nội dung Thủ tướng đề cập”.
Bốn nội dung được Thủ tướng yêu cầu làm rõ là: Hà Nội phải làm tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát được nguồn thực phẩm. Thứ hai là việc chống buôn lậu, hàng giả, bởi lĩnh vực này đang tồn tại rất nhiều vấn đề. Thứ ba là vấn đề đảm bảo trật tự ATGT, đặc biệt là sau khi xảy ra hai vụ xe chở tôn làm hai người tử vong. Cuối cùng là việc quản lý, chỉnh trang đô thị, hiện còn nhiều vấn đề khiến người dân bức xúc.
Nói thêm về hai vụ tai nạn khiến một cháu bé và một người phụ nữ tử vong vì va vào xe chở tôn, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đây là vấn đề rất hệ trọng, vụ việc đã khiến người dân rất bức xúc, lo lắng. “Thủ tướng cũng rất lo lắng và cho rằng, hai vụ tai nạn làm chết người đó rất thương tâm, đau đớn. Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội cần phải suy nghĩ, trăn trở tìm giải pháp hữu hiệu để không một vụ tai nạn tương tự nào xảy ra nữa”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Theo Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, thời gian qua, lực lượng chức năng đã thu giữ một số xe ba gác, xích lô, xe ba bánh thương binh vi phạm trên địa bàn. Các vụ tai nạn do các phương tiện này gây ra giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương so với năm 2015. Tuy nhiên, những vụ tai nạn vừa xảy ra rất đau lòng và cũng là bài học để quản lý tốt hơn.
Đồng tình, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cũng khẳng định, sẽ phối hợp và làm quyết liệt trong việc kiểm tra, kiểm soát các xe xích lô, ba gác, ba bánh giả danh thương binh.
Xử lý dứt điểm sai phạm nhà 8B Lê Trực
Đề cập đến vi phạm xây dựng tại công trình 8B Lê Trực, Tổ công tác của Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đây là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng giao nhưng Hà Nội chưa hoàn thành.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, mặc dù Hà Nội chỉ đạo xử lý quyết liệt nhưng tiến độ phá dỡ rất chậm. Ông Hùng cho biết, sau ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố đã chỉ đạo UBND quận Ba Đình cưỡng chế, quận cũng đã thay nhà thầu phá dỡ, đẩy nhanh tiến độ, chuyển sang phá dỡ bằng máy móc, sử dụng cần trục tháp để phá dỡ. Hiện, đã phá dỡ xong sàn mái tầng 19 và đang phá dỡ phần cột tầng 19. “Thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc nhà thầu, lắp cần cẩu tháp để phá dỡ phần cột vi phạm. Tiếp tục lập và hoàn thành phương án phá dỡ phần còn lại trước ngày 30/9, phá dỡ toàn bộ vi phạm theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Hùng khẳng định.
Giải trình thêm, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Đỗ Viết Bình cho biết thêm, đến nay đã hoàn tất việc cắt toàn bộ sàn tầng 19 nhưng việc cắt dầm, cột rất phức tạp, cần đảm bảo an toàn cho xung quanh và người dân qua lại đường Trần Phú nên cần thêm thời gian. Dự kiến, đến ngày 28/9 sẽ tiến hành cắt dầm, cột để hoàn tất việc cắt tầng 19 trong tháng 10.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo, nhắc nhở về việc này. “Công trình 8B Lê Trực vi phạm cả số tầng và chiều cao, nhưng quan trọng là chiều cao. Phải lên phương án tổng thể cắt chiều cao công trình này, có thời hạn hoàn thành cuối cùng, chứ nói bây giờ đang cắt tầng, sắp tới trong năm 2017 sẽ xử lý chiều cao thì không hay. Đừng để người dân hiểu khác đi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu.
Kết quả kiểm tra được công khai trong các phiên họp Chính phủ Trao đổi với Báo Giao thông về việc nếu các Bộ, ngành, địa phương sau các buổi kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng mà vẫn không chuyển biến, không thực hiện được nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao sẽ có cơ chế xử lý thế nào, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Sau mỗi buổi làm việc kiểm tra như buổi làm việc hôm nay (26/9) với Hà Nội, tôi tin chắc chắn sẽ có sự chuyển động tốt hơn ở các Bộ, ngành, địa phương. Tất cả những việc kiểm tra và kết quả kiểm tra đều được công khai trong các phiên họp Chính phủ. Bộ trưởng, trưởng ngành, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu làm chưa tốt. Mỗi nhiệm vụ giao cho các đơn vị đều được Tổ công tác giám sát một cách chặt chẽ, sát sao, việc nào hoàn thành, việc nào không hoàn thành đều được ghi chú lại, báo cáo thường xuyên với Chính phủ. Sau đó, toàn bộ những thông tin này cũng được báo cáo lên Quốc hội để làm căn cứ cho việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận