Xã hội

Thủ tướng yêu cầu không được cài cắm câu chữ, "bẫy" doanh nghiệp

28/02/2018, 11:15

Các Bộ cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh phải thực chất, không cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp.

anh1

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp

Đó là yêu cầu của Thủ tướng được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt lại khi chủ trì buổi kiểm tra 16 bộ, ngành trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao trong cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, sáng 28/2.

Không "bỏ cái này, mọc cái khác"

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, năm 2017, phát triển kinh tế - xã hội đã đạt nhiều kết quả nổi bật và ghi những dấu ấn về nỗ lực, giải pháp của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh. Năm 2018, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu tập trung đẩy mạnh tăng trưởng, tạo việc làm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó rất chú trọng nâng cao năng suất lao động, cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương với tinh thần cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và 50% thủ tục, danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành.

"Thủ tướng yêu cầu các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, các điều kiện kinh doanh, thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp. Việc cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không cắt giảm cơ học thuần túy, không chỉ sửa câu chữ, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tổ trưởng Tổ công tác Thủ tướng đánh giá, về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, trong năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 4 cuộc và một số bộ đã có cắt giảm rất tốt. Tuy nhiên, một số bộ đã công bố cắt giảm nhưng chưa có giải pháp cụ thể.

Về lĩnh vực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hiện số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều, tới 243 ngành nghề.

“Nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng, cụ thể, như yêu cầu ‘phải phù hợp’, ‘phải đủ’, ‘phải có đạo đức tốt’, ‘phải có trình độ’, ‘phải sạch sẽ’, ‘phải thoáng mát’… gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp nói là ‘cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp’, để lúc vui vẻ thì cho qua, không vui vẻ thì bắt luôn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế.

Nhân dịp này, Tổ trưởng Tổ công tác Mai Tiến Dũng cùng truyền đạt lại, Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ phải khắc phục triệt để tình trạng trì trệ, chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế - xã hội.

Cụ thể như nhiệm vụ trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020, nhưng nay Bộ Tài nguyên và Môi trường mới trình được 30 trên 63 tỉnh, thành phố, điều này ảnh hưởng đến chương trình, kế hoạch phát tiển kinh tế - xã hội cả nước và địa phương.

Hoặc nhiệm vụ giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các Bộ thi công thí điểm 1 km đường để làm cơ sở điều chỉnh hệ thống định mức dự toán và chi phí đầu tư xây dựng trong một tuyến đường, một công trình để đảm bảo chi phí thực tế nhất, tiết kiệm nhất và minh bạch nhất, nhưng đến nay đã quá thời hạn. 

Bộ GTVT lý giải việc chậm trễ thí điểm thi công 1km đường để xây dựng định mức

Ngay tại cuộc họp, sau khi nghe Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông báo cáo, liên quan tới triển khai chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng định mức cho 1 km đường để xác định chi phí thực tế tiết kiệm nhất, Bộ GTVT không phải không thực hiện, mà thực tế triển khai đã gặp vướng mắc và đã có báo cáo giải trình xin ý kiến Văn phòng Chính phủ.

Dưới góc độ chuyên ngành, Thứ trưởng Bộ GTVT chia sẻ, 1 km đường không mang tính đại diện do điều kiện mỗi vùng, địa hình địa chất khác nhau. Vì thế Bộ GTVT đã đề xuất xây dựng định mức cho 1km đường cao tốc phân chia theo khu vực Bắc - Trung - Nam. Tuy nhiên cách xác định định mức cũng cần thay đổi theo tư duy thị trường chứ không thể bao cấp, đong đếm số lượng vật liệu đưa vào như trước đây.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng đề án mới về định mức, theo hướng xác định theo năng suất, đảm bảo tính thị trường. Ngoài ra, chưa có dự án cao tốc mới nào được đưa vào đầu tư, trừ cao tốc phía Đông sẽ triển khai trong tương lai nên thiếu cơ sở tính toán.

“Hiện đang thiếu 2 điều kiện để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng là chưa có dự án mới triển khai để gắn vào và đang trong quá trình cùng Bộ Xây dựng xây dựng đề án chung về định mức theo quan điểm mới. Vướng mắc này Bộ đã báo cáo 2-3 lần lên VPCP và đã nhận được sự đồng thuận”, Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.