Thời sự

Thủ tướng yêu cầu xử lý những vấn đề bức xúc xã hội

04/12/2018, 06:10

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý...

6

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2018

Chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra ngày 3/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý một số vấn đề đang gây bức xúc xã hội, đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương làm tốt nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12.

Xử nghiêm cán bộ để xảy ra mất điện

Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận một số vấn đề nổi cộm, cần sớm giải quyết, trong đó có vấn đề giải quyết khiếu kiện của nhân dân, vấn nạn tín dụng đen... Đối với vấn đề cung ứng điện trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, Thủ tướng nêu rõ, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ liên quan nếu để xảy ra tình trạng mất điện. Thủ tướng yêu cầu không để thiếu điện trong năm 2019.

Tại phiên họp, Thủ tướng thông báo đã quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt, do Phó Thủ tướng Trường trực Trương Hòa Bình phụ trách, cùng sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương, để tập trung xử lý một số vụ việc nổi cộm hiện nay.

Phát biểu kết luận phiên họp, đề cập về tình hình tháng 11 và 11 tháng qua, Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành đã chủ động, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời. Cả hệ thống có sự chuyển động tốt, từng bước vận hành khá trơn tru trong xử lý các vấn đề đặt ra. Nhờ đó, kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực. 

Chỉ còn 1 tháng nữa kết thúc năm 2018, Thủ tướng đề nghị làm tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm của tháng 12. Thứ nhất, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị kỹ, làm tốt nhiệm vụ tổng kết năm 2018 theo tinh thần tránh bệnh thành tích, đánh giá thực chất, không phô trương, nêu rõ các tồn tại, bất cập, nguyên nhân, kinh nghiệm để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong năm 2019.

Nhiệm vụ thứ 2 là xây dựng Nghị quyết 01 với tinh thần cụ thể hóa Nghị quyết của T.Ư, Quốc hội, do đó, nội dung phải cụ thể, bám sát chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Quốc hội giao. Thứ 3, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội thị trường tăng mạnh dịp cuối năm và giáp Tết; đồng thời chú trọng lo Tết cho nhân dân.

“Metro TP HCM có nợ nhưng không quá nhiều”

Chiều tối cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng với sự tham gia của nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành.

Đề cập đến dự án Metro ở TP HCM, báo chí hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP bình luận gì về lá thư của Đại sứ Nhật cảnh báo tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có nguy cơ dừng thi công và khi nào Chính phủ mới có thể trình Quốc hội xem xét thông qua điều chỉnh tăng tốn dự án này?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên được UBND TP HCM phê duyệt năm 2007 với tổng mức đầu tư là 17.388 tỷ đồng, đã bao gồm vốn tài trợ ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước. Sau khi có ý kiến của tư vấn độc lập, bộ, ngành liên quan, năm 2011, thành phố đã phê duyệt tổng mức điều tư lên 47.325 tỷ đồng. Như vậy, theo Nghị quyết 49, dự án với tổng mức đầu tư lớn như vậy muốn phê duyệt phải báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, TP HCM đã báo cáo lên Chính phủ. Thủ tướng đã giao cho Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT báo cáo bằng văn bản liên quan đến đề nghị của TP HCM. Hiện Bộ GTVT đang lập báo cáo.

“Thư của Đại sứ gửi lên Thủ tướng câu chuyện lo ngại về việc thanh toán của nhà thầu sẽ khó khăn, mới giải ngân được 52%. Như vậy, số nợ của nhà thầu là có nhưng không phải ở mức quá nhiều. Thành phố đang rà soát phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục thực hiện để báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền”, người phát ngôn Chính phủ cho biết.

Năm 2017, ngành điện lỗ 2.219 tỷ đồng

Đó là thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đưa ra khi trả lời báo chí về vấn đề liên quan đến giá than, giá điện.

Theo ông Hải, nếu không đọc kỹ có thể hiểu năm 2017 Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN có lãi. Nhưng để xác định được giá năm 2017, Bộ Công thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét kỹ và sau đó có kiểm toán độc lập về chi phí sản xuất kinh doanh của EVN. Theo đó, tổng doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.934 tỷ đồng, trong đó riêng tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện đã là 291.278 tỷ đồng. Như vậy, EVN đang bị lỗ. Tuy nhiên, do EVN còn có một số thu nhập khác (tiền gửi ngân hàng, cổ tức, lợi nhuận của các công ty mà EVN có hợp tác liên doanh trong ngành điện…) và khoản 5.011 tỷ đồng chênh lệch về tỷ giá. Cộng các khoản thu, chi thì năm 2017, ngành điện lỗ 2.219 tỷ đồng...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.