Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC) vừa phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Doanh nghiệp và chính quyền thành phố về các chính sách lao động, việc làm, an toàn lao động và giáo dục nghề nghiệp.
Hội nghị là dịp để chính quyền TP.HCM gặp gỡ các doanh nghiệp, nhằm giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Liên quan đến quy định về thời gian thử việc đối với người lao động, đại diện Công ty TNHH Sacom - Chíp Sáng hỏi: Quy định thử việc chỉ được 2 tháng, nhưng sau 2 tháng thử việc người lao động chưa đạt yêu cầu, doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận thử việc thêm 1 tháng để tạo cơ hội cho người lao động với vị trí công việc khác phù hợp hơn, vậy có đúng quy định không?
Ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng phòng Lao động - Tiền Lương - Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP trả lời: Điều 27 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về thời gian thử việc căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 1 lần đối với một công việc và đảm bảo các điều kiện sau đây:
Không quá 60 ngày đối với công việc có chức năng nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức năng nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Do đó, việc công ty tự thỏa thuận thử việc thêm 1 tháng là chưa phù hợp quy định pháp luật. Như vậy, nếu làm khác đi, doanh nghiệp rất có thể sẽ vi phạm pháp luật lao động.
Đại diện Công ty TNHH Angelin Energy (xuất nhập khẩu các sản phẩm nhiên liệu rắn, lỏng, khí) quan tâm đến thủ tục xuất nhập cảnh cho các chuyên gia từ nước ngoài (Nhật Bản) tới công ty tại Việt Nam và ngược lại trong tình hình quản lý dịch bệnh thì cần những thủ tục và lưu ý gì?
Ông Nguyễn Bảo Cường cho biết: Các tổ chức, DN có nhu cầu mời chuyên gia vào làm việc sẽ có văn bản đề nghị kèm theo danh sách chuyên gia gửi Sở.
Tổ chức, DN sau khi được UBND TP chấp thuận hỗ trợ nhập cảnh sẽ liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Sở Y tế để thực hiện nội dung liên quan đến cấp thị thực vào Việt Nam và phương án cách ly sau khi nhập cảnh.
Công tác hỗ trợ nhập cảnh chỉ thực hiện đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, đối với người Việt thì phải liên hệ với cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nơi người Việt sinh sống, học tập, làm việc để được hỗ trợ.
Nhiều băn khoăn khác của các doanh nghiệp về pháp luật lao động, nội quy lao động, thoả ước lao động tập thể... liên quan đến quyền lợi của người lao động cũng được các doanh nghiệp đặt ra và được trả lời thoả đáng.
Đại diện ban tổ chức cho biết, mục tiêu trên hết của những hội nghị như thế này nhằm giúp doanh nghiệp hiểu biết hơn về pháp luật lao động, chủ động giải quyết những vấn đề hàng ngày phát sinh, giúp quan hệ chủ - người lao động công bằng, bảo đảm quyền lợi hai bên và tránh những tranh chấp lao động không đáng có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận