Ngành vận tải và logistics của Trung Quốc thua lỗ nặng. |
Thua lỗ 255%
Một thập kỷ qua, nhu cầu nguyên liệu thô tăng vọt tại Trung Quốc dẫn tới bùng nổ ngành vận tải tại Trung Quốc và trên thế giới. Bị mê hoặc bởi kinh tế bong bóng của Trung Quốc, các công ty vận tải đổ xô đầu tư các con tàu lớn, đắt đỏ. Nay, nhập khẩu Trung Quốc bắt đầu bế tắc, ngành vận tải dần rơi vào suy thoái sâu. Hệ quả, vận tải biển phải gánh những khoản nợ khổng lồ và quá tải.
Cố vấn ngành vận tải Uwe Breitling cho biết: “Chính vận tải biển tự tạo ra khủng hoảng vì vội vàng tăng hiệu suất và đầu tư vào những con tàu lớn (dài trên 400 m) trong khi nhu cầu thực tế lại rất thấp”. Ông Uwe cho biết: “Thị trường vận tải ảm đạm sẽ còn tiếp tục suy thoái vì nhu cầu về than và sắt ngày càng thu hẹp. Khó có thể mong đợi ngành này phục hồi cho tới năm 2017”.
Đặc biệt, ông Neil Dekker, Giám đốc Công ty Tư vấn vận tải Drewry cho biết thêm: “Ngành vận tải container đang ở giữa cuộc khủng hoảng dư thừa năng suất. Suy thoái sẽ còn tiếp tục kéo dài trong năm nay”.
Tháng 10/2015, Tập đoàn Vận tải container (CSCL) có trụ sở tại Thượng Hải thông báo lỗ ròng 160 triệu USD trong 9 tháng năm 2015. Doanh thu CSCL từ tháng 1 - 9 đã giảm 11% ở mức 3,74 tỷ USD, kéo lợi nhuận ròng 9 tháng năm 2015 giảm 255% so với lợi nhuận 104 triệu USD cùng kỳ năm 2014. Trước đó một ngày, Tập đoàn Vận tải Nhà nước Cosco cũng thông báo thua lỗ 270 triệu USD trong quý III. Tuy nhiên, việc thông báo thua lỗ nặng nề này cũng không khiến dư luận trong nước và quốc tế ngạc nhiên bởi đó là tình hình kéo dài nhiều năm nay.
Sáp nhập hàng loạt
Trong bối cảnh này, Chính phủ có kế hoạch cải cách, sắp xếp, co gọn ngành vận tải một cách hiệu quả đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Chỉ trong tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã mạnh tay hợp nhất, sáp nhập nhiều tập đoàn vận tải, tạo ra những thay đổi lớn trong ngành.
Đầu tiên là vụ sáp nhập hai tập đoàn thua lỗ nặng CSCL và Cosco. Khoảng trung tuần tháng 12, Ủy ban Hành chính và Giám sát tài sản Nhà nước thông báo kế hoạch hợp nhất CSCL và Cosco. Việc sáp nhập này nhằm ngăn hai tập đoàn vận tải cạnh tranh lẫn nhau trên thị trường trong nước và quốc tế; Trong bối cảnh cạnh tranh vốn đã rất khó khăn khi cung vượt quá cầu.
Tuy nhiên, kế hoạch này không những không thuyết phục mà còn khiến các nhà đầu tư e ngại, gây sụt giảm giá trị cổ phiếu lớn nhất trong vòng 11 năm trở lại đây. Ngày 14/12/2015 - vài ngày sau thông báo, CSCL và Cosco chứng kiến sự sụt giảm 36% giá trị cổ phiếu tại thị trường Hồng Kông, làm “bốc hơi” 850 triệu USD. Trước đó, cổ phiếu của các công ty vận tải Trung Quốc đã ngừng giao dịch từ tháng 8.
Ông Castor Pang - Người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu Công ty Quốc tế Hong Kong Core Pacific Yamaichi nhận định: “Kế hoạch tái cơ cấu toàn bộ ngành vận tải rất phức tạp và khó khăn. Sẽ phải mất khoảng 1-2 năm mới có thể nhìn thấy và cảm nhận những hiệu quả mà kế hoạch này mang lại”.
Cuối tháng 12/2015, Trung Quốc tiếp tục thông qua thỏa thuận sáp nhập hai tập đoàn vận tải và logistic Nhà nước lớn nhất của Trung Quốc là China Merchants Group và Sinotrans & CSC Holdings Co “về một nhà” - nhằm tăng sự kiểm soát của Nhà nước đối với các công ty vận tải một cách hiệu quả. China Merchants kinh doanh về cảng biển, các dịch vụ tài chính và vận tải; Sinotrans & CSC kinh doanh mảng logistic và cho thuê tàu.
Các công ty vận tải Trung Quốc mở rộng thị trường ra nước ngoài để tìm cơ hội mới. Gần đây, ngày 20/1, Tập đoàn China Cosco thương lượng mua 67% cổ phần cảng Piraeus lớn nhất Hy Lạp với giá 368,5 triệu euro (402,1 triệu USD), chưa bao gồm khoản đầu tư hạ tầng trị giá 350 triệu euro. Giới chức Cosco và các quan chức Trung Quốc cho biết, họ muốn phát triển cảng Piraeus trở thành trung tâm logistic để vận chuyển hàng hóa châu Á tới Đông Âu. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận