Tuy nhiên, hiện nay nhiều nơi trong cả nước đang thiếu trầm trọng lái xe có bằng lái loại này, ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa. Vậy, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
20% xe container nằm không do thiếu lái
Ông Lê Võ Tấn Khoa, Giám đốc Công ty vận tải Loyan Borther (TP.HCM) cho biết, mấy năm trở lại đây, doanh nghiệp của ông cũng như một số doanh nghiệp vận tải khác trên địa bàn luôn trong tình trạng thiếu lái xe có bằng FC.
Hiện nhiều nơi trong cả nước đang thiếu trầm trọng lái xe có bằng lái FC, ảnh hưởng lớn đến hoạt động vận tải hàng hóa. Ảnh: Tạ Hải
“Một phần do dịch, lái xe bỏ việc về quê, một số bị mắc Covid-19 và lái xe sợ phải xét nghiệm nhiều lần. Phần nữa có tình trạng lái xe chọn lựa doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải có nguồn hàng đủ chuẩn thì họ mới làm. Đàm phán tiền lương hiện nay, chủ doanh nghiệp vận tải, chủ xe rơi vào thế bị động.
Hiện nay, có tình trạng lái xe đi phỏng vấn chủ doanh nghiệp chứ không phải chủ xe đi phỏng vấn lái xe”, ông Khoa nói và cho hay doanh nghiệp của ông có 20% container nằm không do thiếu lái.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm tài xế bằng FC, quan trọng nhất nằm ở người sử dụng lao động. Doanh nghiệp đầu tư cho đào tạo tài xế theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp, có chế độ đãi ngộ đủ tốt, gắn với cam kết về thời gian tối thiểu tài xế phải phục vụ cho doanh nghiệp, cách làm này giúp tài xế cũng yên tâm gắn bó, có trách nhiệm cao với công việc.
Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục đường bộ VN
Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, trong điều kiện bình thường đã không đủ tài xế FC, khi dịch bệnh lại càng thiếu hơn.
TP.HCM hiện có khoảng 7.000 tài xế FC, thiếu khoảng 20% so với nhu cầu.
“Nguyên nhân là do điều kiện để lái xe được cấp bằng FC hiện nay khá chặt chẽ. Sau khi học bằng C rồi muốn chuyển sang bằng FC thì phải chờ 3 năm”, ông Quản cho biết.
Tương tự, ông Đặng Thế Phương, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng cho hay, địa bàn thành phố hiện thiếu khoảng 20% lái xe có bằng FC.
Theo ông Phương, số liệu thống kê bằng FC cũng chưa phản ánh đúng thực tế do nhiều người không có nhu cầu vẫn đi thi lấy bằng FC và tài xế FC thường khi gần 50 tuổi họ đã nghỉ chạy.
“Sở dĩ có tình trạng “vênh” giữa số lượng người được cấp bằng FC và số lượng lái xe có bằng FC làm việc trực tiếp, một phần là do công việc vất vả, điều kiện làm việc khắc nghiệt. Trong khi, mức thu nhập của lái xe không cao, chế độ phúc lợi chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu”, ông Phương nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch hiện nay hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo sát hạch và cấp bằng hạng FC cho người dân có nhu cầu, không có tình trạng thiếu lái xe có bằng FC.
“Cơ sở đào tạo, sát hạch hoàn toàn đáp ứng yêu cầu nhưng nhiều trung tâm không có học viên. Đơn cử như Trung tâm Sát hạch lái xe Củ Chi (TP.HCM) đã dừng không sát hạch FC. Số lượng người có giấy phép lái xe FC so với tỷ lệ xe tương đối cao. Tính chung thì tỷ lệ gần 2 GPLX ô tô trên đầu kéo. TP.HCM có trên 18 nghìn xe đầu kéo, và có trên 46 nghìn GPLX, tỷ lệ GPLX là 2,5 GPLX/phương tiện. Số lượng GPLX so với số xe thì không phải thiếu”, ông Thống nói.
Được biết, hiện cả nước có trên 135 nghìn lái xe có bằng FC, trong khi số lượng xe đầu kéo, xe sơ-mi rơ-moóc trên toàn quốc là khoảng trên 71 nghìn phương tiện.
Cả nước có 42 cơ sở đào tạo cấp bằng FC, trong đó Hải Phòng có 6 cơ sở, TP.HCM có 9 cơ sở. Ngoài ra, Hải Phòng và TP.HCM còn có thêm 3 trung tâm sát hạch lái xe.
Cách nào khắc phục?
Một trong những nguyên nhân khiến tài xế có bằng FC không gắn bó công việc là do vất vả, điều kiện làm việc khắc nghiệt. Ảnh: Tạ Hải
Để khắc phục tình trạng thiếu hụt số lượng lái xe có bằng FC cho các doanh nghiệp vận tải, Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng cần “nới lỏng” điều kiện nâng hạng thi lấy bằng FC.
“Việc thiếu tài xế đã khiến chuỗi hoạt động vận tải hàng hóa các tỉnh phía Nam đứt gãy khoảng 40%. Để giải quyết vấn đề này, quan trọng nhất cần rút ngắn thời hạn được nâng từ hạng C lên FC từ 3 năm xuống 1 năm để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu vào. Về vấn đề an toàn không đáng lo, doanh nghiệp họ cũng không muốn gánh hậu quả từ những rủi ro va chạm và trách nhiệm dân sự”, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trọng Thái, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, không nên nới lỏng các điều kiện về cấp bằng hạng FC vì thực tế cho thấy, những vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe container, xe trọng tải lớn hậu quả rất nặng nề.
“Lái xe ô tô hạng FC cần phải có độ an toàn cao hơn vì kích thước xe lớn, trọng tải lớn và lưu thông phải đảm bảo an toàn cho những người tham gia giao thông khác. Chính vì vậy, điều kiện cấp bằng FC phải nghiêm ngặt hơn so với các hạng lái xe khác. Không hạ thấp tiêu chuẩn cấp bằng FC là cần thiết nhằm đảm bảo yếu tố an toàn người lái”, ông Thái nói.
Đồng tình, ông Lê Võ Tấn Khoa, Giám đốc Công ty vận tải Loyan Borther cho rằng, lái xe FC có tính đặc thù về ATGT, đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra đối với xe container.
Nếu giảm thời gian nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Đó là lý do tại sao Nhà nước không giảm thời gian nâng hạng với đối tượng này.
“Giảm thời hạn nâng hạng chỉ là giải quyết phần ngọn, gốc của vấn đề nằm ở chỗ lượng xe tăng cao, trong khi đường sá không thông thoáng, hay xảy ra ùn tắc nên doanh nghiệp phải tăng chuyến xe và tài xế. Thiếu tài xế không phải do khâu đào tạo. Việc siết xe quá tải làm lượng xe tăng cao, lượng hàng không thay đổi nhưng số xe tăng gấp 3 lần”, ông Khoa nói.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu hụt lái xe có bằng FC, các doanh nghiệp vận tải cần phải cải thiện các chế độ đãi ngộ, điều kiện làm việc, chính sách bảo hiểm nhằm tạo sự an tâm cho lái xe khi ký hợp đồng làm việc.
Ông Bùi Văn Quản cho rằng, tài xế container làm công ăn lương theo ngày, rất khó để họ nghỉ chạy để đi học. Nhiều lái xe đã bỏ việc về quê nghỉ dịch, cuộc sống của họ rất khó khăn.
Chủ doanh nghiệp phải đầu tư về thời gian và kinh phí để giúp tài xế có bằng C thi nâng hạng lên FC.
Ông Lương Duyên Thống cho hay, nhiều tài xế có bằng FC nhưng không mặn mà với nghề cực nhọc và nguy hiểm này. Điều kiện làm việc khắc nghiệt, chế độ tiền lương không đảm bảo, hệ số rủi ro cao, tuổi nghề ngắn, lại thường xuyên phải xa gia đình… là những lý do khiến người lái xe dù đã có bằng C, D, E ít có nhu cầu học chuyển đổi, nâng bằng.
“Vận tải hàng hóa bằng container, xe sơ-mi, rơ-moóc tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT cao nếu lái xe không đủ kinh nghiệm và kỹ năng lái xe cần thiết. Vì vậy, dù hiện nay đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp vận tải thiếu nguồn cung lái xe có bằng FC, cũng không nới các điều kiện để cấp bằng”, ông Thống nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận